Số hóa

iPhone 7 chính hãng bán dưới giá đề xuất 2 triệu đồng

Một số đại lý hiện cho bán iPhone 7 32 GB ở mức 17 triệu, thấp hơn xấp xỉ 2 triệu đồng so với giá niêm yết ban đầu là 18,8 triệu đồng.

Những năm trước, giá bán của iPhone chính hãng thường được quản lý khá chặt và khó có hiện tượng loạn giá, đặc biệt là khi mới mở bán. Tuy nhiên, tình trạng này đã sớm diễn ra khi iPhone 7 chính hãng lên kệ chưa được một tháng.

Một số đại lý cấp 2 hiện cho bán iPhone 7 32 GB ở mức 17 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với giá niêm yết ban đầu là 18,79 triệu đồng.

Giá iPhone 7 chính hãng tại một đại lý cấp 2 ở Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Trong khi đó, iPhone 7 128 GB được các đại lý này bán với giá khoảng 21 triệu đồng, thấp hơn 700.000 đồng so với giá niêm yết. iPhone 7 Plus 32 GB cũng có mức chênh khoảng hơn một triệu đồng (21 so với 22,3 triệu đồng).

Đại diện Hoàng Hà Mobile cho biết động thái giảm giá được đưa ra từ phía nhà phân phối FPT Trading. Theo vị này, iPhone 7 32 GB được đề xuất giảm giá mạnh để kích cầu. Trong khi đó, bản iPhone 7 Plus do khan hàng, cộng sức mua tốt nên không giảm giá nhiều.

Với mức giá hiện tại, iPhone 7 32 GB chính hãng chỉ cao hơn khoảng 1 triệu đồng so với máy xách tay (khoảng gần 16 triệu). Các model bán chạy hơn như iPhone 7 128 GB hay iPhone 7 Plus cũng có mức chênh khoảng dưới 2 triệu đồng, cho thấy quyết tâm của các đại lý trong việc đẩy mạnh doanh số của các model chính hãng.

Tuy nhiên, một số hệ thống kinh doanh cả 2 mặt hàng này cho biết, sức bán của máy chính hãng chỉ bằng khoảng 10% so với máy xách tay, ngay cả khi mức chênh giá không lớn.



Giá niêm yết chính thức của iPhone 7 và 7 Plus chính hãng. Ảnh: Duy Tín.

Có 3 lý do được các đại lý này đưa ra, lý giải cho việc iPhone chính hãng có sức tiêu thụ không quá lớn: Thứ nhất, hàng xách tay có giá rẻ hơn, thứ hai là việc nguồn hàng chính hãng cho các đại lý nhỏ không ổn định và thứ 3 là họ không thể cạnh tranh được với các đại lý lớn, vốn là nhà nhập khẩu trực tiếp iPhone, thay vì qua một kênh phân phối thứ 3.

iPhone chính hãng được đưa về Việt Nam qua 3 kênh chính, gồm từ các nhà mạng như Viettel, MobiFone, các nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop và thông qua nhà phân phối FPT Trading. Nguồn hàng của các đại lý nhỏ chủ yếu do FPT Trading nhập về và hiện chỉ có các đại lý này giảm giá iPhone chính hãng.

Khoảng 2 năm gần đây, các nhà bán lẻ lớn tỏ ra đặc biệt mạnh mẽ trong việc kinh doanh iPhone chính hãng. Chẳng hạn trong năm nay, 3 nhà bán lẻ lớn nhất nhận không dưới 10.000 đơn đặt trước iPhone 7, 7 Plus chính hãng mỗi nơi mà vẫn đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Trong khi đó chỉ cách đây vài năm, chỉ có khoảng 2.000 máy được đưa về Việt Nam trong đợt bán hàng đầu tiên, khiến xảy ra tình trạng lộn xộn khi mua máy. Nhiều người phải xếp hàng từ sớm hoặc chờ bốc thăm để mua.

Đại diện một hệ thống bán lẻ lớn cho biết Apple căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường để điều chỉnh lượng hàng về nước. Sở dĩ iPhone 7 có lượng hàng cực kỳ dồi dào là vì iPhone 6S, 6S Plus có sức tiêu thụ tốt trong năm ngoái.

Tác giả bài viết: Thành Duy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok