Trong tỉnh

Huyện ủy, UBND Yên Định nợ 50 tỷ tiền ăn uống: Ai là người trả nợ?

Vụ việc Huyện ủy và UBND huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) đã chi tiêu vô tội vạ, không đúng nguyên tắc tài chính, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất với số tiền lên tới khoảng 50 tỷ đồng khiến dư luận bức xúc đặt ra câu hỏi: Vậy ai sẽ là người trả nợ?

Vì đâu huyện ủy, UBND huyện Yên Định “nợ như chúa chổm”?

Theo thông tin ban đầu, khoản nợ 50 tỷ đồng của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định đang chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 - 2015 khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy Yên Định và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện này, hiện cả hai vị này đã nghỉ hưu.

Những món nợ 50 tỷ của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như: Nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện…

Không những nợ chi tiêu, mà huyện này còn nợ cả tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn vì đã lấy tiền thưởng để chi vào việc khác.

Trao đổi với báo chí, ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, số nợ này chủ yếu tập trung vào các năm từ 2013 đến năm 2015 và theo thống kê sơ bộ, hiện UBND huyện Yên Định đang nợ khoảng 23 tỷ đồng, còn Huyện ủy nợ khoảng 29 tỷ đồng. Tổng cộng khoảng 52 tỷ đồng.

Trụ sở UBND huyện Yên Định. Ảnh: Tiền Phong.

Ông Lâm cho biết, dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, những người cho vay đã tìm đến huyện để gây áp lực và đòi nợ. Sau đó, huyện đã trích ít tiền tiết kiệm từ nguồn ngân sách chi thường xuyên, trả nợ cho những trường hợp cho vay có hóa đơn, thanh lý hợp đồng rõ ràng.

Đáng chú ý, theo lời ông Lâm, theo quy định, huyện không được phép được vay, còn số nợ 50 tỷ là do các lãnh đạo huyện Yên Định thời điểm đó vay để sử dụng vào những công việc của cơ quan và không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Do đó, số nợ trên huyện không thể giải quyết được.

Trong khi đó, một lãnh đạo huyện ủy Yên Định khi trao đổi với báo chí cũng xác nhận Huyện ủy có nợ. “Nợ đúng là có. Nợ cá nhân, nợ tập thể, người trong người ngoài cơ quan. Nhiều món nợ có hóa đơn, hợp đồng mua sắm, chứng từ chứng minh, nhưng nhiều món nợ giấy tờ không đầy đủ. Hiện chúng tôi đang cho rà soát lại”, vị này nói.

Mới đây, ông Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy Yên Định (Thanh Hóa) cho biết, hiện huyện đang cho kiểm tra, rà soát các khoản nợ mà một số tờ báo phản ánh.

Theo tìm hiểu của PV, trong những người bị UBND huyện, Huyện ủy nợ tiền giai đoạn trên có cả các cán bộ công tác tại các vị trí của Văn phòng Huyện ủy Yên Định, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Phòng Thanh tra... cho đến người làm việc cho nhà ăn của UBND huyện Yên Định. Nhiều người ngoài việc bỏ tiền túi ra còn phải vay ngân hàng để cho tập thể chi tiêu nếu có lệnh của Chủ tịch, Bí thư huyện. Thậm chí, một số cán bộ đi vay tiền, hoặc đứng ra nhận nợ cho UBND huyện Yên Định sau đó liên tục bị chủ nợ đến nhà đòi.

Liên quan vụ việc trên, chiều 15/3, ngay sau khi có thông tin phản ánh việc Huyện ủy, UBND huyện Yên Định bị tố mắc nợ nhiều cá nhân trong và ngoài cơ quan, với số tiền lên đến hơn 50 tỷ đồng, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định nhanh chóng làm rõ sự việc, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm (nếu có), báo cáo kết quả xác minh đến Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa trước ngày 30/3/2020.

Ai là người trả nợ?

Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc trên, Luật sự Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với quan hệ đi vay tiền và cho vay tiền giữa UBND huyện và Huyện ủy đối với các cá nhân là quan hệ dân sự. Hai bên đều bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Do vậy, bên vay phải có trách nhiệm thanh toán khoản tiền vay của mình hay còn gọi là tiền gốc, ngoài ra có thể phải thanh toán cả khoản lãi nếu hai bên có thỏa thuận về lãi suất.

“Các khoản vay hiện nay được xác định là UBND huyện và Huyện ủy Yên Định vay để chi cho tiêu dùng (tiếp khách, sửa xe, lắp bàn ghế,…) của cơ quan mình thì phải có trách nhiệm hoàn trả cho các cá nhân đã bỏ tiền ra cho vay. Trách nhiệm trả nợ cho các cá nhân là không thể chối cãi hay né tránh được”, Luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Đồng thời, theo Luật sư Hoàng Tùng, để xảy ra sự việc cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, cơ quan có chức năng thực hành pháp luật, quản lý hành chính tại địa phương nợ tiền các cá nhân với con số rất lớn (hơn 50 tỷ đồng) và chậm thanh toán, chần chừ chưa giải quyết được thể hiện sự không minh bạch, làm việc chưa tuân theo pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, các khoản chi tiêu dùng cho bộ máy chính quyền cấp huyện sẽ được chi từ nguồn ngân sách địa phương. Hàng năm sẽ phải tiến hành lập dự toán ngân sách, đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định ứng trước dự toán ngân sách năm sau của cấp mình; định kỳ 6 tháng báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Như vậy, định mức hàng năm mà ngân sách nhà nước tại địa phương sẽ được thông qua, việc chi tiêu dùng sẽ phải nằm trong định mức đã được cho phép. Việc chi tiêu dùng sẽ được sử dụng nguồn tiền từ đây.

Luật sư Hoàng Tùng.

Các khoản nợ hiện nay, theo trả lời của Chủ tịch UBND huyện Yên Định đương nhiệm thì số tiền nợ nêu trên hiện tại thì địa phương không thể chi trả vì không có hóa đơn chứng từ. Do lãnh đạo các nhiệm kỳ trước đó tiến hành vay chi tiêu cho cơ quan nhưng lại là khoản vay không rõ ràng, hóa đơn chứng từ.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây liệu có mục đích vụ lợi hay lợi dụng việc chi tiêu dùng để móc nói làm giá hoặc cố ý làm trái nhiệm vụ quyền hạn để trục lợi của các cán bộ nhiệm kỳ đó hay không? Hay có hành vi sử dụng lãng phí tài sản công hay không?

Tình trạng nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính, phân bổ ngân sách địa phương tại Thanh Hóa mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chức năng hoạt động bình thường, uy tín của chính quyền địa phương.

Do đó, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên cần phải nhanh chóng vào cuộc lập đoàn thanh tra để làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động vay nợ chi tiêu nêu trên như: Chi tiêu gồm những gì và hết bao nhiêu? Có đúng với sổ sách ghi chép hoặc nhân chứng, chứng cứ khách quan hay không? Khoản tiền hiện nay chưa thể chi trả được là cơ quan vay hay cá nhân lãnh đạo vay? Nguồn tiền thu vào và tiền chi như thế nào? Có hay không hành vi lợi dụng danh nghĩa cơ quan vay tiền để trục lợi cho cá nhân không?....

Trường hợp là cá nhân vay tiền (tức là cán bộ lãnh đạo thời đó vay, không đủ chứng minh là của cơ quan vay) thì trách nhiệm trả nợ sẽ thuộc về cá nhân.

Trường hợp là UBND huyện và Huyện ủy Yên Định vay tiền thì cần phải thanh tra thật kỹ về hoạt động chi tiêu. Trường hợp cán bộ có các hành vi trục lợi, cần phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, khởi tố và xử lý các hành vi có dấu hiệu phạm tội như: Tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc xử lý về hành vi gây lãng phí tài sản công,…

Tác giả: Tâm Đức

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok