Trong tỉnh

Huyện Thường Xuân, Thanh Hóa: “Quan thôn” cho lập trạm BOT thu tiền

Chuyện tưởng đùa nhưng đang được cánh lái xe kháo nhau đầy bức xúc. Một thôn ở huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) sau khi đầu tư, nâng cấp tuyến đường cấp phối, dài hơn 300m đã tự ý dựng một trạm BOT cấp thôn để thu phí. Đáng nói, việc này được họp bàn, có thống nhất của các “quan thôn”...

Đoạn đường cấp phối được thôn Phú Vinh thu phí.Ảnh: Gia Hân

Trạm BOT theo "luật làng"

Nhiều ngày qua, trên địa bàn thôn Phú Vinh (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) đã xuất hiện một trạm BOT thôn để thu tiền lái xe đi trên con đường làng. Theo đó, những người đứng đầu thôn này đã thống nhất ra một quy định buộc các xe vận tải khi đi qua đoạn được rải cấp phối của thôn (dài hơn 300m) phải đóng phí. Mặc dù không lập trạm, dựng barie để thu phí một cách công khai nhưng đây đang trở thành một thứ "BOT ngầm" do thôn tự lập.

Anh L.N.H (một lái xe chuyên chở lâm sản qua thôn) cho hay, đường thôn nhỏ nên xe trọng tải lớn cũng không vào được. Do đó, công ty đã bố trí một xe cỡ nhỏ để vào thu mua lâm sản (keo, tràm...) của người dân. "Dù thấy bất bình trong việc thu thí này, nhưng để hoàn thành công việc nên chúng tôi đành nộp phí cho thôn", anh H nói.

Theo anh H, mỗi lần xe tải đi qua hay vào thôn để thu mua, chở nguyên liệu đều phải làm việc với thôn và nộp phí đường. Có khi là chủ phương tiện trả hoặc gia đình có nguyên liệu phải nộp, cũng có những phương tiện đã đóng theo tháng. Trong đó, nhiều phương tiện mỗi ngày lưu thông qua đoạn đường này hàng chục lượt cũng đều phải đóng phí. Dù thấy vô lý nhưng lái xe không đóng tiền thì không được đi qua, hay đi vào thôn.

Không chỉ cánh lái xe mà chính người dân địa phương cũng không khỏi bất bình. Một hộ gia đình trong thôn cho hay, gia đình dự tính xây dựng lại căn nhà, nhưng khi đi làm hợp đồng vật liệu (cát, sỏi, xi, sắt…), các đơn vị đều từ chối bởi vận chuyển vật liệu đến thôn phải mất thêm khoản phí. Họ chỉ chấp thuận khi gia đình đóng thay khoản phí đường này.

Được biết, thôn Phú Vinh là địa phương chuyên trồng cây nguyên liệu như mía, keo… nên đến mùa thu hoạch, có nhiều xe tải ra vào chở nguyên liệu thu mua cho bà con. Bên cạnh đó là xe chở nguyên vật liệu xây dựng hạ tầng của người dân. Do nhu cầu nên mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện tham gia giao thông qua tuyến đường này. Đó cũng là nguyên nhân khiến trước kia con đường bị hư hỏng. Chính quyền thôn đã cho tu sửa lại và thống nhất, mỗi xe vận tải đi vào thu mua keo, mía đều phải đóng phí là 2.000 đồng/tấn.

Xã không hay, huyện yêu cầu trả lại tiền

Cán bộ thôn Phú Vinh thu tiền của các phương tiện vận tải chạy qua đoạn đường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Sơn - Thủ quỹ của thôn Phú Vinh lý giải: Mục đích của việc thu tiền này là để có nguồn kinh phí nâng cấp, duy tu bảo dưỡng đường. Vì đây là đường liên thôn do dân đóng góp làm, kinh phí duy tu bảo dưỡng không có nên cán bộ thôn mới họp bàn đứng ra thu tiền. Việc này đã xảy ra trong thời gian dài. Theo ông Sơn, thôn đã công khai và mức phí mỗi lần xe tải đi qua là 2.000 đồng/tấn.

Trong khi đó, ông Ngọ Văn Bình - Trưởng thôn Phú Vinh tỏ ra khá bức xúc trước thông tin cho rằng, ông và các cán bộ trong thôn cho thành lập trạm BOT để thu phí các phương tiện vận tải ra vào. Ông Bình cho biết, đây là đoạn đường dài 300m được rải cấp phối chạy qua thôn. Do là thôn trồng nhiều cây nguyên liệu, lượng xe tải lưu thông nhiều đã khiến con đường bị hư hỏng nặng, không thể đi lại nên khi tu sửa, các hộ dân trồng keo, mía đều thống nhất hỗ trợ thôn 2.000 đồng/tấn.

Đặc biệt, đầu tháng 3/2020, khi có nhà máy may đầu tư, xây dựng trên địa bàn xã, ông Duy - một cá nhân đã vào lấy đất của 8 hộ dân trong thôn để san nền cho dự án nhà máy may và "chủ động" đóng góp 20 triệu đồng cho thôn tu bổ đoạn đường vì xe của ông lưu thông qua đoạn đường này.

"Hầu hết các hoạt động đóng góp của các hộ dân cũng như cá nhân ông Duy đều là tự nguyện. Chúng tôi không đề ra quy định, hương ước hay lập trạm thu phí như dư luận đang nói", ông Bình nói.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng cho biết: Việc thu các khoản tiền trên là do thôn tự ý thống nhất với các hộ dân và với công ty san lấp mặt bằng mà không hề báo cáo với UBND xã. "Chúng tôi đang kiểm tra, xác minh lại và báo cáo huyện theo đúng chỉ đạo", ông Minh thông tin.

Được biết, ngày 20/4 vừa qua, UBND huyện Thường Xuân đã thành lập đoàn kiểm tra làm việc với UBND xã Ngọc Phụng về nội dung nêu trên. Tại cuộc làm việc này, đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND xã Ngọc Phụng cùng thôn Phú Vinh xác minh lại các nội dung đã nêu. Yêu cầu thôn phải hoàn trả lại các khoản thu không đúng với quy định của pháp luật cho các cá nhân đã nộp tiền trước đó.

Tác giả: Gia Hân

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok