Giáo dục

Huyện nghèo gắng lo cho học sinh bán trú

Sơn Tây là huyện miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, địa phương này đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng các điểm trường đủ điều kiện bán trú cho học sinh.

Do điều kiện khó khăn nên hiện chỉ có 230 học sinh của huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) được ở bán trú.

Đến giờ cơm trưa, 47 học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sơn Màu (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) được phân đều mỗi em một suất cơm đầy đủ thức ăn. Bữa cơm trưa bán trú tại ngôi trường vùng cao diễn ra vui vẻ với đầy ắp tiếng cười.

Được ăn trưa tại trường cùng các bạn, em Đinh Văn Nguyên - học lớp 6 trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sơn Màu vui mừng chia sẻ: “Lúc trước đi học cực lắm, nhưng từ năm học này cháu được ăn ngủ tại trường rất thuận lợi. Ở đây được các thầy cô chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ nên cháu và các bạn rất vui".

Đến thăm con tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sơn Màu, chị Đinh Thị Trường (xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây) không giấu được niềm vui. Theo chị Trường, lúc trước gia đình rất lo lắng khi con phải trèo đèo, lội suối mang cơm đến lớp học từng buổi. Còn giờ, các em được nhà trường bao bọc, chăm sóc chu đáo, không phải đi lại vất vả khiến phụ huynh như trút được gánh nặng.

47 học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sơn Màu được thầy cô chăm sóc trong bữa ăn bán trú.

Mô hình bán trú giúp học sinh huyện Sơn Tây yên tâm học tập tốt hơn.

“Nghe cháu kể được ở nhà bán trú nên hôm nay tranh thủ xuống xem thử. Thấy các cháu được học, ăn ngủ tại chỗ gia đình rất yên tâm, không phải lo lắng như trước”, chị Đinh Thị Trường phấn khởi cho biết.

Đối với phụ huynh học sinh huyện miền núi Sơn Tây, con em được ăn ở bán trú miễn phí là niềm vui lớn, thế nhưng niềm vui đó mới chỉ dành cho một số ít. Bởi lẽ với điều kiện kinh tế, xã hội quá khó khăn nên mô hình bán trú tại các điểm trường chưa đáp ứng được cho tất cả học sinh .

Theo thầy Võ Tấn Vũ - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sơn Màu, trong năm học mới 2017 - 2018, nhà trường có 136 học sinh nhưng chỉ có 5 phòng bán trú. Mỗi phòng bán trú chỉ đủ chỗ ở cho 10 học sinh, vì vậy nhà trường chỉ xét cho 47 học sinh xa nhất được ở bán trú.

“Tuy chỉ có 47 học sinh bán trú nhưng nhà trường phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo việc ăn ở, học tập cho các em. Khó nhất là phải hợp đồng đủ số giáo viên đảm bảo giảng dạy đúng chương trình theo quy định. Ngoài ra còn phải tuyển thêm nhân viên cấp dưỡng, nhân viên y tế chăm sóc cho học sinh”, thầy Võ Tấn Vũ - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sơn Màu cho biết.

Theo thống kê, huyện Sơn Tây hiện có 7 trường Tiểu học, 8 Trường THCS, 2 trường Phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó mới chỉ có 4 trường tổ chức bán trú cho 230 học sinh.

Ông Võ Thìn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết: địa phương đã khắc phục khó khăn để thực hiện mô hình bán trú tại 4 điểm trường. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút được số học sinh có nhà quá xa trường ra lớp đầy đủ. Ngoài ra, loại hình trường bán trú còn góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở miền núi.

"Thông qua mô hình bán trú, học sinh miền núi có thời gian học tập, tiếp xúc cùng các thầy cô giáo nhiều hơn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các điểm trường", ông Thìn nhấn mạnh.

Nhằm tạo thêm chỗ ở bán trú cho học sinh, theo ông Thìn, UBND huyện Sơn Tây sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng các điểm trường chính. Việc tập trung nguồn lực đầu tư các điểm trường chính sẽ đảm bảo được yêu cầu về cơ sở vật chất để tăng cường mô hình bán trú cho học sinh trên địa bàn huyện miền núi Sơn Tây trong thời gian tới.

Tác giả: Hà Xuyên - Thiên Bảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok