Hoằng Hóa là địa phương dẫn đầu khối các huyện về thu ngân sách tại Thanh Hóa năm 2022 |
Năm 2022, thu ngân sách tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 51.000 tỷ đồng, xếp thứ 9 cả nước. Theo báo cáo, tất cả các huyện, thị, thành phố đều thu vượt kế hoạch. Ngoại trừ thành phố Thanh Hóa, dẫn đầu khối huyện là Hoằng Hóa với mức thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.097 tỷ đồng.
Theo báo cáo, thành phố Thanh Hóa thu ngân sách trên địa bàn đạt 3271 tỷ đồng, thành phố Sầm Sơn thu 1.638 tỷ đồng, thị xã Nghi Sơn thu 2.778 tỷ đồng. Huyện giáp ranh 2 thành phố trên là Hoằng Hóa có mức thu ngân sách tăng đột biến, đạt 3.097 tỷ đồng, dẫn đầu khối các huyện. Một số địa phương có mức thu ngân sách cao đều là các huyện vùng đồng bằng, ven biển. Cụ thể, huyện Đông Sơn thu 2.720 tỷ đồng, huyện Hà Trung thu 2.211 tỷ đồng, Quảng Xương thu 1.732 tỷ đồng… Đa số nguồn thu ngân sách trên địa bàn của các huyện này đều đến từ đấu giá đất.
Huyện có mức thu ngân sách năm 2022 thấp nhất tỉnh là Mường Lát, thu hơn 12 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt trên 51.000 tỷ, trong đó thu nội địa đạt khoảng 32 ngàn tỷ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 19.000 tỷ.
So sánh trên bình diện cả nước, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thanh Hóa xếp thứ 7, quy mô nền kinh tế xếp thứ 8, thu ngân sách xếp thứ 9. Trong 6 địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn Thanh Hóa đều là những tỉnh có quy mô nền kinh tế nhỏ hơn Thanh Hóa.
Tại cuộc gặp mặt báo chí nhân dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã phân tích, làm rõ thêm về cơ cấu nguồn thu của tỉnh này. Theo đó, nguồn thu từ sử dụng đất khoảng 12.000 tỷ, chiếm chưa đến ¼ tổng thu ngân sách trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phân tích, làm rõ thêm cơ cấu nguồn thu ngân sách tại cuộc gặp mặt báo chí nhân dịp Tết Quý Mão 2022 |
Đề cập đến số thu ngân sách đạt trên 51.000 tỷ đồng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cho biết, đây là số thu ngân sách lớn nhất từ trước đến. Cuối năm 2021 dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng thu ngân sách toàn tỉnh vẫn đạt trên 40.000 tỷ đồng và đến 31/12/2022, thu ngân sách tỉnh cán mốc 51.000 tỷ đồng.
Một số ý kiến cho rằng, nguồn thu chủ yếu của Thanh Hóa phụ thuộc vào Lọc hóa dầu Nghi Sơn và thu từ tiền sử dụng đất. Đây được cho là những nguồn thu không bền vững.
Giải đáp băn khoăn này, ông Đỗ Trọng Hưng cho rằng, thu từ sử dụng đất của Thanh Hóa chỉ chiếm khoảng 23% tổng nguồn thu. So với một số địa phương khác như Thái Bình, Nghệ An nguồn thu từ đất của Thanh Hóa trong tổng thu không phải là lớn.
Riêng lọc hóa dầu Nghi Sơn, đây là dự án mang tầm vóc quốc gia, được chuẩn bị, đầu tư, xây dựng hàng chục năm.
“Việc thu ngân sách nhiều hay ít của Lọc hóa dầu Nghi Sơn là điều mang tính quy luật. Nếu Lọc hóa dầu Nghi Sơn có đầu tư lớn, nhưng đóng góp cho ngân sách ít thì mới là đáng phải suy nghĩ. Do vậy, việc thu ngân sách từ Lọc hóa dầu Nghi Sơn không có gì đáng lo ngại”, ông Hưng phân tích.
Theo Bí thư Hưng, trong điều kiện như hiện nay, mỗi năm ngân sách tỉnh thu tịnh tiến 10.000 tỷ đồng là hơi khó. Tỉnh đã tính toán đến những sản phẩm mới để cải thiện cơ cấu nguồn thu. Theo đó, Thanh Hóa phấn đấu năm 2023, tăng thu ít nhất là 5% so với thực thu đạt được của năm 2022.
Tác giả: Quang Duy
Nguồn tin: giadinhonline.vn