Công ty Esuhai (TP.HCM) - một trong những DN tư nhân đầu tiên nhận vốn vay ODA để xây dựng một trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt - Nhật - Ảnh: T.T. |
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề Hội nghị thường niên ADB lần thứ 51 vừa diễn ra tại Philippines.
Ông Tú cho biết: Từ năm 2019, Việt Nam sẽ không còn được tiếp cận nguồn tài trợ ưu đãi vốn vay của ADB. Tuy nhiên, ADB vẫn là đối tác quan trọng trong việc tư vấn chính sách và hỗ trợ các dự án kỹ thuật cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
* Khi nguồn vốn vay ưu đãi không còn, Việt Nam làm gì để thích ứng với nhu cầu vốn cao đầu tư cho phát triển thời gian tới?
- Nguồn vốn vay ưu đãi cuối cùng mà ADB dành cho Việt Nam đến cuối năm nay còn khoảng 613 triệu USD dành cho khoảng 5-6 dự án trong các lĩnh vực y tế, dạy nghề, giáo dục, tài chính, cơ sở hạ tầng... đang được tiến hành.
Chúng tôi đã thảo luận với ADB về việc giãn một số khoản nợ ưu đãi phải trả nhanh do đến kỳ hạn trả nợ. Nếu đạt được thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm áp lực trả nợ trong vài năm tới, có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đặc biệt, chúng tôi cũng đề nghị ADB quan tâm nhiều hơn với khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, mở rộng cho vay thương mại trực tiếp với các doanh nghiệp, hạn chế tối đa bảo lãnh chính phủ, tăng tính chủ động và hiệu quả của các khoản vay, đảm bảo trần nợ công và an toàn tài chính quốc gia.
Tóm lại, khi chuyển sang vay thương mại, các khoản vay ODA của Chính phủ sẽ phải cân nhắc rất kỹ, đặc biệt là phải thực sự hiệu quả mới quyết định vay.
* Muốn tiếp cận nguồn vốn này, các doanh nghiệp tư nhân cần chuẩn bị những gì, thưa ông?
- Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại luôn sẵn sàng đồng hành với khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp sẽ phải tìm hiểu kỹ lưỡng hình thức, điều kiện trước khi quyết định có nên tiếp cận nguồn vốn này hay không.
Có thể các doanh nghiệp sẽ lúng túng trong thời gian đầu nhưng các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ, tạo sự kết nối cùng với các doanh nghiệp tư vấn để cùng ADB thực hiện các khoản đồng tài trợ hoặc phân khúc tài trợ dự án.
Chẳng hạn với một dự án đầu tư lớn, vốn ADB cho vay đầu tư xây dựng ban đầu, khi dự án đi vào hoạt động, có hiệu quả thì các ngân hàng thương mại trong nước sẽ cho vay thế để ADB thu hồi vốn.
Điều này rất cần thiết trong bối cảnh đầu tư cơ sở hạ tầng cần nguồn vốn lớn mà vốn trong nước không thể đáp ứng đủ.
* Việt Nam đã có những chính sách nào để dòng vốn này tiếp cận đúng đối tượng?
- Cho đến nay, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc WB đã làm rất tốt các chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, "người cho vay chưa mất đồng nào".
Tuy nhiên, các cơ quan của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát nhằm đảm bảo các cơ chế chính sách vay vốn nước ngoài, trong đó có nguồn vốn của ADB, một cách thuận tiện, an toàn và hiệu quả hơn.
Với lĩnh vực ngân hàng, trước mắt chúng tôi sẽ hỗ trợ về mặt cung cấp thông tin, trong đó Trung tâm Thông tin tín dụng Việt Nam (CIC) sẽ không chỉ cung cấp dữ liệu tài chính của doanh nghiệp trong nước mà sẽ từng bước mở rộng ra nước ngoài, thành kênh tham khảo quan trọng cho các tổ chức tài chính và doanh nghiệp Việt cũng như quốc tế.
Tính đến nay, nguồn hỗ trợ của ADB cho Việt Nam đã đạt con số 15,4 tỉ USD vốn vay, 310,6 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và 329,5 triệu USD viện trợ không hoàn lại. Vốn vay Việt Nam đang chiếm hơn 50% tín dụng của ADB tại khu vực ASEAN. |
Tác giả: NHƯ BÌNH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ