Kinh tế

Hưởng lợi gần 200 tỷ đồng từ vênh thuế, Petrolimex "quên" cộng vào lợi nhuận?

Theo kiểm toán KPMG, trong 6 tháng đầu năm nay, Petrolimex đã nhận được một khoản hoàn thuế nhập khẩu trị giá 198,84 tỷ đồng cho một số mặt hàng xăng dầu nhập khẩu trong năm 2015, song lại không ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh.

Đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2016 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty kiểm toán KPMG đã kết luận ngoại trừ đối với chi tiết hoàn thuế nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế quan nêu tại bản báo cáo này.

KPMG cho biết, tại kỳ kế toán trước đó, Petrolimex đã quyết định tạm thời không ghi nhận khoản thuế nhập khẩu chưa được hoàn liên quan đến khoản chênh lệch giữa thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại khu vực đối với một số mặt hàng xăng dầu nhập khẩu.

Theo đó, "công ty chỉ hạch toán số thuế được hoàn khi thực nhận", do tại thời điểm đó, Ban Tổng giám đốc đánh giá khả năng nhận được khoản hoàn thuế nhập khẩu nói trên là không chắc chắn.

petrolimex 1463368095563
Mặc dù không còn giữ vị thế độc quyền nhưng thị phần xăng dầu của Petrolimex vẫn chiếm gần 50%

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, tập đoàn này đã nhận được một khoản hoàn thuế nhập khẩu trị giá 198,84 tỷ đồng cho một số mặt hàng xăng dầu nhập khẩu trong năm 2015 theo quyết định của các chi cục Hải quan địa phương.

Điểm đáng nói là, thay vì ghi nhận khoản hoàn thuế nhập khẩu này trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 thì Petrolimex lại quyết định ghi nhận khoản thế này bằng cách ghi giảm thuế và các khoản phải thu Nhà nước trên bảng cân đối kế toán tại ngày 30/6.

Công ty kiểm toán phân tích: Nếu tập đoàn ghi nhận khoản hoàn thuế này trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 thì thuế và khoản khác phải thu Nhà nước sẽ tăng 198,84 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế sẽ tăng 198,84 tỷ đồng, đồng thời chi phí thuế TNDN hiện hành và thuế phải nộp Nhà nước sẽ tăng tương ứng theo thuế suất hiện hành.

Về vấn đề này, Petrolimex đã có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tổng giám đốc Petrolimex, ông Trần Văn Thịnh cho biết: "Lý do có sự thay đổi trong phương pháp ghi nhận như trên là do tập đoàn thực hiện theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước đang kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 tại tập đoàn".

Đồng thời, ông Thịnh khẳng định: "Cho đến thời điểm phát hành báo cáo soát xét báo cáo tài chính giữa niên độ, tuy chưa nhận được kết luận chính thức của Kiểm toán Nhà nước, song tập đoàn đã tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước để điều chỉnh kịp thời. Sau khi nhận được kết luận chính thức của Kiểm toán Nhà nước, tập đoàn sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính năm 2015 theo đúng quy định tại thông tư 200 ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính".

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, trong năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) đã thu từ xăng dầu nhập khẩu là 35.923 tỷ đồng, nhưng thực tế số thuế hoàn theo chứng từ doanh nghiệp nộp bổ sung C/O mẫu D (theo Biểu thuế Atiga) là 3.502 tỉ đồng, chiếm 9,75% tổng số thuế đã nộp. Bộ Tài chính khẳng định, số liệu hoàn thuế nhập khẩu này chỉ là số liệu sơ bộ vì có thể tiếp tục được hoàn trong các tháng tiếp theo .

Vào năm 2015, con số lãi của Petrolimex đã đạt kỷ lục từ trước tới nay với 3.766 tỷ đồng, trong đó, riêng lĩnh vực chính kinh doanh xăng dầu gặt hái 1.989 tỷ đồng, tương đương 52,8% tổng lợi nhuận hợp nhất.

Trong 6 tháng đầu năm, ngay cả khi chưa cộng khoản hoàn thuế nói trên, Petrolimex cũng đã gặt lãi trước thuế 2.796,5 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2015. Trong đó, riêng khối kinh doanh xăng dầu đạt 1.719,1 tỷ đồng lợi nhuận (hơn 1.500 tỷ đồng là đóng góp từ khối doanh nghiệp xăng dầu thành viên).

Một nguyên nhân lớn được xác định là do Petrolimex (cũng như các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác) đã hưởng lợi từ chênh lệch thuế suất MFN (là mức thuế để tính giá cơ sở) với thuế suất ưu đãi từ Hàn Quốc và ASEAN (là mức thuế thực tế khi doanh nghiệp nhập hàng từ các thị trường này).

thu suat xagn dau 1475117663597
Sự thay đổi của thuế suất nhập khẩu xăng dầu theo các thị trường

Để "vá lỗi" thì từ quý II vừa rồi, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã được Thủ tướng đồng ý phương án sử dụng thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở xăng dầu. Việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được cho là sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok