Trinley thể hiện các kỹ năng leo trèo trước một cuộc hẹn hò đêm. Ảnh: AFP. |
Thao tác nhanh nhẹn sau nhiều năm thực hành, Trinley Norbu đã quen với việc đu bám ba tầng một ngôi nhà đá rồi leo qua cửa sổ để bắt đầu cuộc hẹn hò đêm. Các kỹ năng leo trèo được xem là yếu tố quan trọng quyết định thành hay bại trong quá trình "cưa cẩm" người mình thích của nam giới Zhaba, một nhóm dân tộc thiểu số theo mẫu hệ ở tỉnh Tứ Xuyên.
Người Zhaba tránh các mối quan hệ một vợ một chồng vì cái được gọi là "hôn nhân đi bộ" (walking marriage) truyền thống. Nam giới từ lâu thường đi bộ tới nơi hẹn hò, trước khi lẻn vào nhà người yêu qua lối cửa sổ.
Theo truyền thống, nam, nữ ở đây không sống chung với nhau, dù mối quan hệ của họ lâu năm thế nào chăng nữa. Ngoài ra, phụ nữ còn được tự do qua lại với bao nhiêu người tùy thích. Nhưng theo Trinley và nhiều đàn ông sống ở vùng hẻo lánh rìa cao nguyên Tây Tạng, truyền thống đó đang dần bị mai một, khi phụ nữ ngày càng muốn có nhiều sự cam kết hơn từ phía một người đàn ông.
Sự xuất hiện của internet, điện thoại thông minh, các ứng dụng mạng, chương trình truyền hình Hàn Quốc, giao thông thuận tiện cùng nhiều cơ hội giáo dục ở bên kia thung lũng đã đưa Zhaba một thời bị cô lập đến lối sống khác.
"Bây giờ, phụ nữ bắt đầu muốn nhiều điều tương tự như thế giới ngoài kia: Hôn nhân chắc chắn và tài sản gồm nhà, xe", Trinley, tài xế xe tải 37 tuổi, nói.
Trinley (phải) và Khando than thở khi truyền thống của địa phương dần biến mất. Ảnh: AFP. |
Trong trí nhớ của Tsultrim Paldzone, 30 tuổi, hồi trẻ, anh và các bạn giật những món đồ lưu niệm từ các cô gái họ thầm thương trộm nhớ ở lễ hội hay chợ phiên. Sau đó, họ sẽ trả lại những tấm thiệp vào chuyến thăm ban đêm tới nhà cô gái đó.
"Nếu thiện chí, cô ấy sẽ chạy chậm một chút. Còn nếu không, bạn sẽ không lấy được món quà lưu niệm, dù có vất vả để đánh cắp nó như thế nào", Tsultrim nhớ lại.
Hồi ấy, ôtô chưa phổ biến nên Tsultrim từng phải đi bộ hơn 10 km mới tới nhà người mình yêu. Anh khởi hành từ trước lúc mặt trời lặn và tới nơi khi đã nửa đêm. Giờ thì, mọi chuyện đã khác, việc đi lại cũng dễ dàng hơn. Các cuộc hẹn hò được xếp sắp thời gian trước bằng phần mềm gửi tin nhắn WeChat trên điện thoại, và trò giật quà lưu niệm cũng gần như biến mất.
"Chẳng có thử thách nào nữa nên không còn vui như trước", một thợ vẽ tranh trên tường của các ngôi đền than thở.
"Hôn nhân đi bộ" bắt đầu biến mất vào những năm 1980 khi chính phủ áp đặt nghiêm khắc các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, rằng sẽ phạt nặng nếu trẻ chào đời mà không có cha mẹ hợp pháp. Điều này buộc người Zhaba phải có giấy chứng nhận kết hôn của chính quyền. Kể từ đó, hôn nhân đi bộ ngày càng ít phổ biến hơn. Cuộc khảo sát năm 2004 diễn ra với 232 hộ cho thấy chỉ 49% gia đình ở Zhaba vẫn theo truyền thống ấy.
Những đứa trẻ trong các gia đình mẫu hệ thường được mẹ và chị em ruột nuôi dạy trong một ngôi nhà chung 6 tầng xây bằng đá màu vàng trên sườn đồi cây cối xanh tốt. Các ông bố có thể trợ cấp tài chính nhưng họ sống cùng mẹ mình.
"Tôi không có chồng, còn cha tôi sống ở một nơi khác", Dolma Lhamo, bà chủ gia đình 60 tuổi, tâm sự sau bữa sáng với trà sữa bò, bột đại mạch và bánh mỳ.
Người Zhaba có lẽ sớm bị buộc phải rời khỏi nơi sinh sống bấy lâu khi con đập mới được xây dựng. Ảnh: AFP. |
Pema Bazhu, một chủ cửa hàng tạp hóa, từng sống chung nhà cùng mẹ, bà, các chị em gái và các bác nhưng mới chuyển ra ngoài ở riêng cùng chồng và cậu con trai hai tuổi. Cô cho biết, việc các gia đình sống riêng đang phổ biến hơn, vì việc này vừa thuận tiện lại tốt hơn cho việc nuôi dạy con cái.
Ngày nay, ngay cả những người mong "hôn nhân đi bộ" tiếp diễn cũng phải nhờ đến các mối quan hệ trả tiền hoặc người lạ để xin giấy chứng nhận. Những đứa trẻ có bố mẹ thiếu giấy đăng ký kết hôn sẽ không được phép nhập khẩu, một tiêu chí quan trọng để chúng được đi học và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài việc chứng kiến thời kỳ "hoàng hôn" của hôn nhân đi bộ, người Zhaba còn phải đối mặt với một thách thức thậm chí còn bi thảm hơn hiện ra phía chân trời. Một trong những con đập lớn nhất thế giới được xây dựng sẽ chẳng mấy chốc gây lụt lội thung lũng Yalong, buộc dân làng phải sơ tán khỏi những ngôi nhà tổ tiên để lại.
"Thật đau lòng. Họ đảo lộn hết khu vực của chúng tôi, trong khi chúng tôi không có bất kỳ tiếng nói nào trong chuyện này", Trinley, hiện làm việc tạm thời tại công trường xây dựng, cho hay.
Bạn anh, Khando Tsering, ngước nhìn những chiếc cột chống chưa hoàn thiện của một con đường sẽ chẳng mấy chốc rút ngắn thời gian tới thành phố gần nhất còn một nửa và mang du lịch tới vùng đất một thời cổ xưa.
"Kinh tế sẽ phát triển, còn con người sẽ thay đổi. Mọi thứ sẽ chỉ vì tiền và những truyền thống địa phương của chúng tôi sẽ biến mất", Khando dự đoán. "Đó là cách mọi thứ diễn ra trong kỷ nguyên này".
Bà Dolma Lhamo (áo xanh) và hai con gái, còn cha của các con bà sống ở một nơi nào đó. Ảnh: AFP. |
Tác giả: Hà Phương (Theo AFP)
Nguồn tin: ngoisao.net