Về cơ cấu vốn của các DN phá sản, trong số hơn 7.480 DN giải thể, 93,2% trong đó là DN nhỏ và vừa có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng; hơn 200 DN có quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng; 57 DN có vốn từ 20 -50 tỷ đồng; 75 DN có quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng và đặc biệt, có 69 DN có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng.
Số DN tạm ngừng hoạt động chờ phá sản hoặc tạm ngừng họat động có thời hạn cũng chiếm rất lớn 8 tháng qua. Trong tổng số hơn 40.400 DN, số DN có vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm 37.000 DN (chiếm hơn 93%).
Về vùng lãnh thổ, các tỉnh như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu có số DN phá sản cao nhất cả nước với hơn 3.300 DN, chiếm 54,6% tổng số DN bị giải thể. Đứng thứ hai là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và 1 số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Hồng với hơn 1.300 DN, chiếm 14,7% tổng số.
Cục Quản lý Đăng ký doanh nghiệp chỉ rõ, số DN giải thể 8 tháng đầu năm tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là các Công ty TNHH một thành viên và hai thành viên, công ty tư nhân.
Trong 8 tháng qua, số DN tạm ngừng hoạt động (có thời hạn và không thời hạn) tiếp tục gia tăng, trong đó tập trung nhiều nhất vào khối DN nhỏ và vừa kinh doanh ô tô, xe máy với gần 30.600 DN, thứ hai là DN thuộc khối xây dựng, BĐS với hơn 5.700 DN, thứ ba là khu vực DN chế biến, chế tạo trong nước với khoảng 4.800 DN.
Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng công bố cả nước có hơn 48.000 DN phá sản và chờ phá sản trong 8 tháng qua bằng 65% số DN thành lập mới từ đầu năm đến nay. Số DN nhỏ và vừa phá sản, chờ phá sản tăng theo hai con số trong mấy năm qua, cho thấy khu vực này đang chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các cú sốc về gia nhập thị trường, khả năng cạnh tranh và đặc biệt là tiếp cận vốn, chính sách còn hạn chế, ngặt nghèo.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền