Hơn 1.000 giáo viên hợp đồng vượt định mức tỉnh giao ở Hải Dương đang lo lắng trước nguy cơ không có việc làm trong năm học mới. Ảnh: Đ.Tùy |
Lo mất việc sau khi tổng kết năm học
Cuối năm 2017, câu chuyện hơn 1.000 giáo viên hợp đồng vượt định mức tỉnh giao ở Hải Dương bị nợ lương 3 tháng khiến dư luận quan tâm. Tưởng rằng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành thì vấn đề trên được tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện tại số giáo viên này đang hoang mang vì không biết năm học tới (2018 – 2019) liệu có được tiếp tục dạy nữa không khi tỉnh Hải Dương đang có sự điều chỉnh.
Chị T.T.G (giáo viên mầm non huyện Ninh Giang) chia sẻ, cho đến hết tháng 5/2018, chị có 6 năm dạy học. Tuy nhiên, khi đến kỳ thi viên chức thì không đủ điểm đỗ. Do nhà trường đông trẻ, thiếu giáo viên nên chị được nhận làm hợp đồng. Trong suốt thời gian công tác, chị không vi phạm quy định, nhưng chị cũng chỉ được làm hết năm học 2017 - 2018. Còn các năm tiếp theo chị không biết thế nào.
Chị G cho biết: “Trong các bậc học thì mầm non vất vả nhất khi phải đi sớm về muộn, học sinh còn bé và đồng lương thấp. Tuy nhiên, cả gia đình đều trông vào thu nhập đó của tôi. Nếu phải nghỉ dạy thì tôi cũng không biết làm gì, ngoài xin làm công nhân. Mong rằng, tỉnh sẽ xem xét và có cơ chế phù hợp cho những giáo viên dạy hợp đồng như chúng tôi”.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Hải Dương cuối năm 2017, ngày 7/12/2017, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Công văn số 370/CV-UBND chỉ đạo giải quyết vướng mắc về tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm 2017. Theo đó, tỉnh Hải Dương sẽ thanh toán tiền lương, phụ cấp (nếu có) cho giáo viên đã được các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ký hợp đồng trong năm 2017, nhưng số số hợp đồng này phải được UBND cấp huyện hoặc Sở GD&ĐT phê duyệt. Số kinh phí chi trả được lấy từ ngân sách cấp huyện, nguồn thu học phí còn lại sau khi đã dành cho thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, các nguồn thu hợp pháp khác để lại cho đơn vị
Đến ngày 31/12/2017, UBND tỉnh Hải Dương ban hành tiếp Công văn số 282/UBND-VP về việc gia hạn thực hiện Công văn số 370/UBND-VP. Theo Công văn này thì lương và phụ cấp của hơn 1.000 giáo viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục, phổ thông công lập được tính hết tháng 5/2018 (tức là hết năm học 2017 - 2018). Đồng nghĩa với việc, số giáo viên hợp đồng trên sẽ chấm dứt hợp đồng, còn năm học tới 2018- 2019 có được tiếp tục ký hay không thì chưa rõ.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT nói gì?
Hơn 1 tháng qua, kể từ khi kết thúc năm học 2017 - 2018, hơn 1.000 giáo viên hợp đồng vượt định mức giao ở tỉnh Hải Dương đứng ngồi không yên. Bởi lẽ, tính từ 1/6/2018, họ không có lương và phụ cấp, thậm chí việc có được các cơ sở giáo dục ký hợp đồng tiếp hay không thì cũng mịt mờ. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, trong năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có hơn 2.700 lao động hợp đồng, trong đó hơn 1.000 giáo viên hợp đồng vượt định mức tỉnh giao. Số giáo viên vượt định mức này nằm ở tất cả các bậc học, nhưng chiếm phần lớn ở bậc mầm non, tiểu học.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Đỗ Duy Hưng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương) cho biết, trong những năm gần đây, số học sinh ở các cấp học tăng về số lượng, quy mô số phòng học, cho nên phải ký hợp đồng với giáo viên để đảm bảo đủ số lượng người đứng lớp. Tuy nhiên, theo biên chế, định mức giao của tỉnh cho số giáo viên/lớp không tăng nên dẫn đến cơ sở giáo dục phải ký thêm. Chỉ tính trong năm học 2017 - 2018, các bậc học trong tỉnh tăng 606 lớp và hơn 14.300 học sinh nên việc ký hợp đồng với giáo viên để đảm việc dạy học là điều cần thiết.
Trước câu hỏi, hơn 1.000 giáo viên hợp đồng vượt định mức tỉnh giao liệu có được tiếp tục dạy học trong năm học mới, ông Hưng cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT cùng Sở Nội vụ đang tiến hành rà soát số lượng người làm việc và vị trí việc làm là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, lao động hợp đồng trong phạm vi được giao năm 2018. Việc rà soát này tập trung vào số lượng, độ tuổi, trình độ chuyên môn đào tạo, nhiệm vụ phân công, số giờ đảm nhiệm/tuần và việc rà soát này nằm trong đề án sắp xếp, bố trí đội ngũ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập. Sau đó, chúng tôi lập báo cáo gửi về UBND tỉnh để trình và tỉnh ra quyết định. Tôi tin, với việc sắp xếp lại lần này, số lượng giáo viên hợp đồng vượt định mức có cơ hội làm việc trong năm học tới đây”.
Theo phương án này, thì cán bộ quản lý và giáo viên là viên chức sẽ thực hiện theo định mức cụ thể. Đối với bậc học mầm non, giáo viên dạy 40h/tuần, tiểu học 23h/tuần, THCS 19h/tuần và THPT 17h/tuần. Trong trường hợp số giờ vẫn còn, thì giáo viên là viên chức sẽ được bổ sung thêm giờ dạy nhưng không quá 200h/năm học. Khi vẫn còn giờ thì các đơn vị sẽ được ký hợp đồng lao động và số tiền trả cho giáo viên được ký hợp đồng lấy từ nguồn thu học phí và các khoản khác của đơn vị giáo dục. Đối với đơn vị vẫn còn nhiều việc cần phải ký thêm sẽ báo cáo UBND tỉnh xin chỉ đạo.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, từ năm học 2018 - 2019, giáo viên được tiếp tục ký hợp đồng dự kiến theo các tiêu chí ưu tiên như: Có số tiết bình quân/giáo viên/tuần nhiều nhất và vượt định mức tiết dạy/tuần; Có thời gian làm hợp đồng dài tại đơn vị hiện nay; Đạt danh hiệu thi đua,có kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp hằng năm cao… |
Tác giả: Đức Tùy
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội