Nhóm học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) học văn qua việc viết thư cho nhân vật mình yêu thích |
Bước ra khỏi lớp học
Không phải học để viết những bài tập làm văn trả bài thầy cô mà học văn là để sống ĐỖ ĐỨC ANH (GV Trường THPT Bùi Thị Xuân) |
“Có thư từ bậu cửa” là dự án dạy học của 2 giáo viên Đỗ Đức Anh và Lê Cúc Anh, tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) triển khai cho học sinh (HS) khối lớp 10 thực hiện. Trong quá trình tham gia dự án, HS đã nhận những bài học ý nghĩa từ cuộc sống, có những trải nghiệm thú vị để từ đó cảm nhận được cái hay, cái đẹp của môn văn.
Với mục đích học văn từ cuộc sống, 2 giáo viên đã xây dựng kế hoạch cho HS thực hiện trong thời gian khoảng 10 tuần với nhiều hoạt động ý nghĩa. Khi tham gia, HS sẽ chia theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 8 - 10 em. Mỗi HS sẽ tự viết một lá thư tay cho người mình ấn tượng, có nhiều tình cảm hoặc ngưỡng mộ. Đó có thể là một người bạn thân, là thầy cô của mình hay là người thân trong gia đình hoặc chỉ là chú bán kẹo bông, cô bán trà sữa...
Giáo viên Đức Anh cho hay, từ những lá thư tay được viết rất nắn nót ấy, HS bắt đầu chia nhau đi phỏng vấn nhân vật chính trong thư của mình. Sau đó, mỗi nhóm chọn ra một nhân vật mà nhóm tâm đắc nhất, để làm thành những thước phim sống động, chân thật về nhân vật đó chiếu trong buổi tổng kết dự án.
Mỗi lớp sẽ có một Trạm thư chờ ở cửa lớp và trên fanpage của dự án để nhận những lá thư chia sẻ của các HS muốn gửi gắm đến những người mà mình yêu thương, ngưỡng mộ, quý mến... Ngoài ra, thầy và trò cũng tổ chức một buổi phát thanh Radio Học văn từ cuộc sống và đọc một lá thư hay nhất, đặc biệt nhất vào tối chủ nhật hằng tuần.
Tham gia dự án, Nguyễn Trần Tấn Phát, HS lớp 10A9, chia sẻ: “Cách học theo dự án khiến chúng em cảm thấy rất thoải mái, không chỉ gò bó ở không gian lớp học mà chúng em được đi, được trải nghiệm và có thêm nhiều bài học cho bản thân nên cảm thấy rất hứng thú và càng yêu thích môn văn nhiều hơn”.
Xuất phát từ thực tế, đa số HS không thích học môn văn nên 2 cô giáo Nguyễn Thúy và Nguyễn Thị Hải, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) đã xây dựng những tiết học mang tên Văn học trải nghiệm gắn với thể loại văn thuyết minh, biểu cảm với mong muốn HS hào hứng khi đến tiết học văn.
Với thể loại văn thuyết minh, giáo viên Nguyễn Thúy đã lựa chọn những địa điểm phù hợp như đường sách Nguyễn Văn Bình, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Ở mỗi địa điểm, sau khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh, tham quan tìm hiểu, mỗi lớp học sẽ tập trung và áp dụng phương pháp làm việc nhóm để cùng trao đổi, phản biện ý kiến. Sau đó, HS sẽ thực hiện việc nghiệm thu tại lớp thông qua các bài thuyết trình về chuyến đi.
HS học được cách viết bài văn biểu cảm từ chính thực tế những gì đã thấy qua quá trình tham quan.
Cảm xúc đến tự nhiên
Qua cách dạy học này, theo cô Nguyễn Thị Hải, Trường THCS Trần Văn Ơn, kết quả thu được là những bài văn giàu cảm xúc đến một cách tự nhiên qua việc cảm nhận từ cuộc sống, lan tỏa yêu thương. Nếu học theo kiểu cũ dù giáo viên có cả năm học “thao thao” giảng bài thì học trò cũng không lay động. Vì vậy, cô Hải cho rằng đừng nghĩ học văn là viết văn và làm thơ mà nó rất đời, gắn liền với thực tế cuộc sống.
Giáo viên Đỗ Đức Anh nhấn mạnh, bản thân việc học văn từ cuộc sống là nhiệm vụ mà người thầy phải thấy và giúp HS thấy được. Nếu HS chỉ biết ngưỡng cửa nhà mình hoặc không gian lớp học, những câu chữ trong sách vở thì rõ ràng đó chỉ có lý thuyết mà phải cho HS trải nghiệm từ thực tế cuộc sống.
Theo thầy Đỗ Đức Anh, giá trị nhân văn của từng mô hình học tập cần hướng đến cho HS là quan tâm đến những điều cần phải quan tâm, chia sẻ những điều cần phải chia sẻ, biết học tập những điều cần phải học tập, biết thể hiện những điều cần thể hiện. Giá trị đích thực là giúp HS yêu thích môn văn, tích cực hơn trong phương pháp học, chủ động tìm đến những giá trị nhân văn, tích cóp để làm giàu cuộc sống tâm hồn và đặc biệt thấy môn văn không nặng nề, áp lực mà nó là đời sống. “Không phải học để viết những bài tập làm văn trả bài thầy cô mà học văn là để sống”, thầy Đức Anh nhấn mạnh.
Để HS được tham gia tiết học một cách đời thường, giáo viên Nguyễn Thúy cho rằng không thể trông chờ vào sách giáo khoa mà phải chủ động thay đổi. Giáo viên trẻ có nhiều ý tưởng sáng tạo phối hợp cùng giáo viên có thâm niên hỗ trợ bằng kinh nghiệm để cung cấp cho học trò kỹ năng, cách sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống sau này.
Tác giả: Bích Thanh
Nguồn tin: Báo Thanh Niên