Những ai đang lái con đò tri thức, mỗi năm một chuyến, bao nhiêu, buồn vui, khóc cười, hạnh phúc, đau khổ… đều phải kinh qua, mới thấy được giá trị của nghề mình đã chọn.
Những “vị khách” của tôi đặc biệt lắm, đó là những người sang đò ở lứa tuổi từ 12 đến 15, cái tuổi “ ăn chưa no, lo chưa tới”, cái tuổi “ương ương dở dở”, cái tuổi “giao thoa giữa người lớn và trẻ con”.
Năm nào cũng vậy, vào đầu năm học, giáo viên chúng tôi được làm mẹ của một đàn con xinh xắn, hồng hào, đang tuổi ăn, tuổi lớn. Điều này quả thật là hạnh phúc cho nghề giáo chúng tôi. Được làm công tác chủ nhiệm lớp hàng năm, tôi thấy mình rất hạnh phúc.
Nhớ lại một kỷ niệm cũ, cách đây bảy năm, tôi làm chủ nhiệm một lứa học sinh cuối cấp, năm đó, tôi mới vào nghề nên kinh nghiệm và phương pháp còn non yếu. Tôi chủ yếu dùng tình cảm để làm việc với các em, những buổi sinh hoạt lớp luôn đầy ắp tiếng cười với những câu chuyện vui mang tính giáo dục, còn những lỗi các em mắc phải, tôi thường gặp riêng và nhắc nhở mỗi em.
Trong lớp lúc này, có ba học sinh cá biệt, nhưng lọt vào mắt tôi, đến bây giờ tôi vẫn nhớ tên em: Nguyễn Ngọc Phi.
Em mồ côi cha, ở với mẹ, mẹ em chủ yếu làm nông để nuôi em ăn học. Hoàn cảnh tác động đến em nên nhìn em lúc nào cũng buồn bã, màu da đen nhẻm, khuôn mặt xinh xắn, ánh mắt hay nhìn xa xăm nhưng ẩn chứa trong em là một nghị lực phi thường. Trong giờ giảng văn, tôi hay ngắm em, ngắm để quan sát, ngắm để quan tâm, giúp đỡ em.
Vào khoảng thời gian này, trò chơi game online đã luồn lách vào các ngõ ngách, vào các thôn xóm và gõ cửa đến từng nhà, và Phi đã trở thành một nạn nhân. Phiên họp cha mẹ học sinh lần hai, tôi biết được khi mẹ em Phi đến khóc lóc và nhờ tôi giúp đỡ, vì các khoản nộp cho nhà trường em đã “nướng” sạch vào game. Nhìn vẻ khắc khổ và những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt rám nắng của chị, lòng tôi se sắt. Tôi tự trách mình quan tâm em chưa sâu, chưa đạt.
Tôi tiếp tục gặp và trò chuyện với riêng em, em hứa với tôi rất nhiều điều, tôi cho em thời gian để sửa lỗi và cố gắng để cuối năm đỗ tốt nghiệp.
Thời gian tiếp tục trôi qua, đã đến lúc học sinh rời trường, xa cô. Nhưng điều tiếp tục làm tôi thất vọng vì em Phi tổng kết môn Hóa học chỉ 1,9. Tôi trao đổi với thầy dạy Hóa học, thầy bảo rằng học sinh này chưa thật sự cố gắng.
Năm đó, em rớt tốt nghiệp. Em bảo rằng “Em không buồn đâu cô ạ, vì sức học em có hạn và đầu óc em không dành cho việc học”. Tôi khuyên em nên học nghề để có tương lai. Em mỉm cười hồn nhiên, nụ cười đó làm tôi nhớ mãi.
Trong khi các bạn tiếp tục con đường học tập, thì Phi chọn cho mình nghề thợ khắc, chạm. Nghề này đòi hỏi sự khéo léo và tính cần cù.
Bẵng đi ba năm, gặp lại lứa học sinh đó, các em tranh giành việc thông báo với tôi rằng: “Cô ơi, bạn Ngọc Phi đã mở quán riêng, và đang làm ăn rất khá giả, bạn ấy hơn chúng em rồi, bạn ấy đã làm ra tiền, còn chúng em vẫn đang ăn bám bố mẹ.” Tôi nghe rõ từng câu chữ của các em, không sót một từ nào.
Hạnh phúc đang nhảy nhót trong lòng tôi, thế là em đã thành công trên con đường đã chọn, không phải cánh cửa vào Đại học là duy nhất. nhiều cánh cửa khác đang chờ đón các em nếu các em biết chọn và mở cánh cửa đúng với khả năng và đam mê của bản thân.
Cách đây không lâu, tôi gặp lại Ngọc Phi, em trưởng thành đến mức tôi không nhận ra em, em cưỡi trên chiếc xe phân khối lớn và chở sau một cô gái khá xinh, tôi đoán đó là người yêu của em. Phi mỉm cười, vẫn nụ cười như xưa, hiền lành và dễ mến. Em nói lời cảm ơn đến tôi.
Một lần nữa, tôi sung sướng không tả được, nhìn thấy học trò trưởng thành mà tôi hạnh phúc dâng trào. Tôi ngắm em một hồi lâu, và khẽ nói: “Thành công của em hôm nay chính là nhờ những nỗ lực của em năm xưa, em biết những gì mình không biết và đã chọn cho mình một hướng đi đúng đắn và em đã tự bước trên đôi chân của mình. Cô chúc mừng em!”.
Khi cô trò tạm biệt nhau, trong lòng tôi rất đỗi hạnh phúc khi nhìn thấy học trò của mình thành đạt. Đây sẽ là kinh nghiệm quý báo cho tôi trong công tác chủ nhiệm trong nghề cao quý này.
Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Dân trí