Giáo dục

“Học thế nào mà trẻ oán ghét thầy cô, bố mẹ?”

Chúng ta đang dạy học thế nào mà bây giờ nhiều học sinh quay lại oán ghét thầy cô, oán ghét cha mẹ vì bị bắt học. Đây là mối nguy có thể làm bào mòn tinh thần hiếu học của người Việt.

Chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM tại hội nghị tổng kết năm học cũ và triển khai năm học mới của Khối Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ.

Theo ông Đạt, TPHCM có thể xem là một thành phố học tập, cũng như truyền thống của Việt Nam là dân tộc hiếu học. Truyền thống hiếu học đã nằm trong huyết quản của người Việt. Đó là có thể xem là một ưu thế vì với mỗi dân tộc và mỗi con người, hơn nhau ở chính sự rèn luyện.

Ông Nguyễn Tiết Đạt, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM: Chúng ta đang dạy học thế này mà học sinh quay trở lại oán ghét bố mẹ, thầy cô?


“Trong lĩnh vực nào cũng vậy, để đạt thành tích, kết quả thật thì phải thật sự nỗ lực, phải rèn luyện. Trong học tập cũng vậy, bản thân mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ và từng thành phố phải không ngừng cố gắng, không ngừng vươn lên”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt nói tiếp rằng so với những lĩnh vực khác để đạt được kết quả thì việc học sinh rèn luyện để phát triển toàn diện chưa khổ luyện, vất vả bằng.

Nhưng vấn đề ở chỗ, ông Phó giám đốc ngành giáo dục tâm tư: “Chúng ta đang dạy học thế nào mà bây giờ học sinh quay lại oán ghét thầy cô, oán ghét cha mẹ vì bắt các em học? Đây là một mối nguy rất lớn có thể bào mòn tinh thần hiếu học của người Việt”.

TPHCM là nơi có mạng lưới trung tâm ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ lớn nhất nước. Đến thời điểm này, theo báo cáo của Sở GD-ĐT thành phố có đến 620 trung tâm ngoại ngữ, tin học với gần 490.000 lượt người đang theo học. Chưa kể đến 41 điểm dạy học thêm bên ngoài nhà trường.

Theo một báo cáo khác của ngành giáo dục TPHCM, thành phố có khoảng 100.000 học sinh tiểu học có học thêm văn hóa ngoài giờ (chiếm 20%), có khoảng 190.000 học sinh trung học đang học thêm tại các cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 học sinh tham gia học tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường.

Thời gian qua, Sở đã cấp phép cho 82 đơn vị trường THPT, trung tâm GDTX dạy thêm trong nhà trường với 80.000 học sinh. UBND các quận, huyện cũng cấp phép cho 106 đơn vị THCS dạy thêm trong nhà trường với khoảng 110.000 học sinh theo học.

Trước đó, tại chương trình đối thoại “Lắng nghe và trao đổi” do HDND TPHCM tổ chức, TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng đề cập đến một khảo sát về chỉ số hài lòng ở giáo dục tiểu học thì có đến 52% phụ huynh cho rằng giáo viên có đối xử không công bằng với học trò không đi học thêm.

TS Hùng chỉ ra chúng ta có hình ảnh những học sinh hết học ở trường rồi lại đến trung tâm, ngồi trên xe ăn uống vội vàng. Các em chỉ quay cuồng với việc học đến nỗi mất đi tuổi thơ và dẫn đến hệ lụy xấu là các em ngại tự học và sợ học.

Học trong nhà trường, "chạy sô" ngoài trung tâm, nhiều học trò không có thời gian ăn nghỉ đúng nghĩa


Chính việc học đầy cực hình cùng với những mặt trái của việc dạy học hiện nay, không ít đứa trẻ chỉ biết lao đầu vào học nhưng lại không có khả năng tự học để suy trì lâu dài. Việc học như là khổ sai nên đến một thời điểm nào đó, các em… hãi việc học đến suốt đời.

Cấm dạy thêm học bên trong nhà trường là một chủ trương của TPHCM gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Có nhiều ý kiến phản đối chủ trương này, cho rằng dạy học thêm không có tội nhưng cũng luồng quan điểm cần quyết liệt phải xóa nạn dạy thêm, học thêm.

Trước hết là để trả lại uy tín cho thầy cô giáo, cho ngành giáo dục cũng như để người dạy và người học đầu tư hơn đến chất lượng của giờ học trên lớp. Và hơn hết giảm học thêm là để học sinh phát huy hơn khả năng tự học, tự tư duy thay vì “bám dây leo” vào thầy cô giáo.

Không chỉ cấm bên trong, mà ngay với các trung tâm dạy học thêm bên ngoài, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đề nghị Sở GD-ĐT cùng với hệ thống quản lý của mình phải quản lý chặt các trung tâm dạy thêm học thêm về điều cơ sở vật chất, ánh sáng, an toàn... Và cũng như phải có khống chế thời gian dạy học thêm tại các trung tâm để các em có thời gian nghỉ ngơi, tự học nhằm tránh tình trạng học sinh học đến phờ phạc, về đến nhà còn không ăn nổi cơm.

Theo quy định của Sở GD-ĐT TPHCM, đến hết ngày 30/9, hiệu trưởng các trường học ở TPHCM phải lập hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm gửi về Sở để tiến hành giải thể.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok