|
Vượt qua chặng đường dài gần 150 km từ thành phố Thanh Hóa, chúng tôi lên thôn Ruộng, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân. Đây là một trong những thôn khó khăn nhất của xã vùng cao biên giới Bát Mọt.
Ở đây không có điện sáng; đường giao thông vào thôn là con đường đất nhỏ chỉ vừa đủ cho bánh xe máy chạy qua; diện tích đất nông nghiệp cũng rất khiêm tốn với 47 hộ dân nhưng chỉ có hơn 2ha đất nông nghiệp. Qua đợt lũ quét, trẻ em nơi đây cũng không còn trường để học.
Chứng kiến tận mắt nơi cơn lũ quét đi qua mới thấy hết được sức tàn phá của thiên tai. Cảnh tượng hoang tàn với hàng trăm mét khối đất đá cùng những cây gỗ mục lớn nằm ngổn ngang nơi suối Ruộng. Những mảnh ruộng màu mỡ bỗng chốc biến mất sau cơn lũ, chỉ còn trơ lại những hòn đá lớn.
Dãy phòng học của bản Ruộng nằm giữa bãi đất, đá. Xung quanh là những cây gỗ lớn không biết từ đâu trôi về sau trận lũ. Dòng suối Ruộng trước đây ở sau các phòng học, cách khoảng 100m, giờ lại chảy ngay trước dãy phòng học.
Xung quanh dãy phòng học, lũ cuốn làm hư hỏng hết nền nhà, tường nứt, móng nhà bị xói mòn sâu bên trong khiến cho dãy nhà chênh vênh có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Phòng ở cho giáo viên thì bị lũ cuốn chỉ còn trơ lại 2 cột nhà.
Thầy Nguyễn Văn Chinh – giáo viên khu Ruộng, Trường Tiểu học Bát Mọt 1, xã Bát Mọt - cho biết: Bản Ruộng cách trường chính ở trung tâm xã tới 7km đường đồi núi, qua suối, các em HS không thể đi về trong ngày được, nên được Nhà nước đầu tư xây dựng khu phòng học ở bản.
Trước kia, khu phòng học mầm non và tiểu học ở đây ở thân đất cao, cách suối Ruộng gần 100m. Năm 2007, cơn lũ đi qua cũng đã mang theo nhiều đất đá vào khu sân trường. Nhưng các phòng học thì chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Trong đợt lũ vừa qua, chỉ sau ba ngày lũ quét, lũ ống, suối Ruộng đã thay đổi dòng chảy, đổ hàng trăm mét khối đất đá, cát, cây gỗ lớn, gốc cây vào khu lớp học, làm xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sập.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho HS và giáo viên, từ ngày 16/10, Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân đã lên kiểm tra và cùng với Ban giám hiệu nhà trường quyết định chuyển các em HS vào học tạm dưới gầm nhà sàn của gia đình bà Vi Thị Tâm.
Mơ ước sớm có phòng học mới
Trong không gian chật chội dưới gầm nhà sàn của gia đình bà Vi Thị Tâm, các em HS đang chăm chú học bài, em thì lúi húi tập viết, em làm bài tập toán, em tập đánh vần. Toàn bản Ruộng có 16 em học sinh tiểu học và 13 học sinh mầm non. Để tiện cho việc dạy học, các thầy giáo đã dùng bạt ngăn thành 3 lớp học. Một lớp cho học sinh lớp 3, 4, 5; một lớp 1, 2 và lớp cho mầm non.
Em Lò Thị Trà My - Học sinh lớp 3R cho biết: Không còn trường học nữa, các em phải học tạm dưới gầm nhà sàn, các em buồn lắm. Em rất muốn có một phòng học mới để học. Trường học ở nơi cao các em sẽ không sợ mỗi khi mưa lũ về.
Hiện nay, do lũ cuốn trôi mất nhà ở của giáo viên nên cũng không còn chỗ ở cho giáo viên cắm bản. Nhà thầy giáo Chinh ở xã Ngọc Phụng, cách trường khá xa nên thường xuyên phải ở lại trường. Những ngày này, thầy Chinh lại phải ra tận điểm trường chính để ở tạm.
Ông Lâm Anh Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân - cho biết: Do các phòng học tại thôn Ruộng có nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh và giáo viên nên chúng tôi quyết định di dời lớp học đến học nhờ ở nhà dân.
Không có trường lớp học, các em học sinh đang phải học trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Chúng tôi muốn xây khu phòng học mới ở nơi đồi cao để tránh được những trận lũ quét, lũ ống khi mùa mưa lũ về.
Tuy nhiên, địa phương còn nghèo, huyện cũng còn khó khăn nên chúng tôi rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nhà hảo tâm để các em học sinh nơi đây được ngồi học ở nơi an toàn.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại