Cô Thúy (phải) và các em học sinh trong một buổi trao đổi với học sinh ở Nhật Bản qua màn hình máy tính - Ảnh nhân vật cung cấp |
Sau thời gian hoàn thành khóa học chuẩn giáo viên tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, cô Thúy tâm niệm không thể dừng lại ở đó, mà phải chủ động tìm tòi hơn nữa những kiến thức dạy học mới mẻ để truyền đạt đến học sinh của mình.
Sau đó, cô Thúy biết đến nhóm Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam (MIE Experts Vietnam). Từ cộng đồng này, được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp khắp cả nước, cô Thúy biết đến phương pháp dạy học mới, thông qua ứng dụng giáo dục của Microsoft.
Kết nối với các bạn nước ngoài
Với việc áp dụng ứng dụng này, cùng với các học sinh của mình, cô Thúy đã đoạt giải nhì cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, do Bộ GD-ĐT phối hợp với Microsoft tổ chức vào tháng 8-2016.
Tiếp sau đó, cuối tháng 3 vừa qua, cô Thúy cùng với 4 giáo viên khác đến từ Hà Nội và TP.HCM được chọn đại diện cho Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Toronto (Canada). Nhóm của cô Thúy đã đoạt giải thưởng đặc biệt.
Trở về từ diễn đàn nói trên, cô Thúy tiếp tục triển khai đến học sinh của mình phương pháp dạy học mới.
Với mỗi chủ đề hằng tuần, học sinh được chuẩn bị trước nội dung qua ứng dụng Power Point để thuyết trình, trao đổi với các bạn học sinh đến từ Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ… Giáo viên sẽ chỉ đóng vai trò là người tổ chức, còn các em học sinh là những người chủ động thể hiện quan điểm, trao đổi với nhau trong suốt buổi học.
Em Lê Tuấn Duy, một trong các học sinh được trải nghiệm phương pháp học tiếng Anh của cô Thúy, cho biết: “Cả lớp em vô cùng hào hứng, thích thú, muốn biết các bạn học sinh nước ngoài học như thế nào, nước họ nói tiếng Anh có như nước mình không… Những tò mò đó đã khiến em và các bạn trong lớp rất vui khi được kết nối, trò chuyện với học sinh nước ngoài”.
Cần nhân rộng hơn nữa
Cô Thúy cho biết thêm phương pháp dạy học sử dụng nền tảng công nghệ thông tin không phải mới mẻ ở Việt Nam, nhưng với miền Bắc nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng vẫn chưa được ứng dụng nhiều.
Theo cô Thúy, việc kết nối thành công với các lớp học nước ngoài đòi hỏi giáo viên Việt Nam phải có sự phối hợp chặt chẽ với giáo viên quốc tế, đồng thời sắp xếp thời gian hợp lý để buổi học xuyên quốc gia có thể diễn ra. Điều này mất thời gian và công sức, bên cạnh khó khăn do chênh lệch múi giờ giữa các quốc gia.
Ngoài học xuyên quốc gia, người giáo viên cũng có thể linh hoạt, chủ động bố trí ngay cho học sinh của mình giờ học tiếng Anh liên tỉnh thành, qua trao đổi trực tiếp với học sinh các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Phó hiệu trưởng Hà Quang Vinh nhận xét với phương pháp dạy tiếng Anh phổ biến trước đây, giáo viên chỉ chú trọng cho học sinh lý thuyết, kỹ năng viết nhằm phục vụ cho các kỳ thi. Trong khi đó, kỹ năng cần thiết nhất cho học sinh khi học ngoại ngữ vẫn phải là giao tiếp, trao đổi. Học sinh ở vùng nông thôn đang còn rất yếu kém về mặt này. Đây là điều nhà trường đang muốn cải thiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Vân Phong, chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên, cho biết thời gian tới sở sẽ mời cô Thúy trực tiếp báo cáo và giới thiệu về phương pháp dạy học mới của mình trước đại diện giáo viên các trường THPT trong tỉnh. Nếu phương pháp dạy học mới này được đánh giá là hiệu quả, sở sẽ cho triển khai rộng rãi trong toàn ngành giáo dục của tỉnh. |
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ