“Đường lên đỉnh Olympia” là cuộc thi kiến thức uy tín thu hút sự tham gia của rất nhiều học sinh giỏi các trường THPT trên toàn quốc. Và ngày hôm qua, vòng nguyệt quế của cuộc thi chung kết lần thứ 17 đã được trao cho cậu học trò sinh ra từ vùng đất lửa Quảng Trị - Phan Đăng Nhật Minh. Sự kiện đã đánh dấu một điều khá đặc biệt của cuộc thi này, đó là liên tục 3 năm liền vòng nguyệt quế ở lại với dải đất miền Trung.
Còn nhớ, vào năm ngoái, em Hồ Đắc Thanh Chương, trường THPT chuyên Quốc học Huế, (Thừa Thiên - Huế) trở thành nhà vô địch của “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 16 với số điểm 340. Trước đó nữa vào năm 2015, quán quân chương trình này cũng đã xướng tên một thí sinh ở Quảng Trị đó là em Văn Viết Đức, học sinh trường THPT TX Quảng Trị với số điểm đạt được là 250.
Đây đúng là một cú “hat-trick” vinh danh tinh thần hiếu học của những học sinh trên dải đất nắng gió, đầy khắc nghiệt – miền Trung.
|
Một trong những người con miền Trung được vinh danh ở các cuộc thi tri thức.
Tuy nhiên, nếu để ý, thời gian gần đây, không chỉ riêng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, mà ngay cả trong các cuộc thi quốc tế, học sinh miền Trung luôn giành các giải cao tuyệt đối.
Mới đây nhất, đó là những huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế lần thứ 58, năm 2017 của Lê Quang Dũng, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), Nguyễn Cảnh Hoàng, lớp 12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), Phan Nhật Duy, lớp 12, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (Hà Tĩnh).
Hay là Nguyễn Thế Quỳnh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), Trần Hữu Bình Minh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) với những tấm huy chương vàng của Olympic Vật lý quốc tế 2017. Ngoài ra, không thể không nhắc đến Trương Đông Hưng, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Quốc học Huế với huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế năm 2017…
Có thể thấy rằng, trong tiến trình lịch sử, miền Trung luôn biết đến là vùng đất học và là nơi đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho đất nước.
Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà nơi đây đã sinh ra những con người như Nguyễn Ái Quốc, Lê Lợi, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Phú, Lê Hồng Phong… Những con người đã sống mãi trong lòng dân bởi học vấn và cống hiến cho quê hương, Tổ quốc.
Nhưng cũng phải thừa nhận, khi nhắc đến miền Trung là nhắc đến ngay những trận thiên tai, bão lũ và sự nghèo khổ. Bởi, thiên nhiên đã không ban tặng nơi đây nguồn tài nguyên dồi dào hay điều kiện khí hậu thuận lợi. Đó chỉ là những dãy núi cao hiểm trở ở phía Tây với địa hình khá dốc kéo dài sang tận Đông và sự chia cắt bởi những con sông chảy xiết, bởi những con đèo, dãy núi quanh co. Nơi đó còn có những mùa đông gió rét, những mùa hè nắng như đổ lửa hay những mùa thu hanh khô kéo dài tưởng chừng như bất tận. Và đặc biệt là những trận lũ lụt, những cơn bão kinh hoàng “dày xéo” người nông dân khuôn mặt má hóp, thân hình gầy guộc, nước da đen nhẻm hết tháng này qua tháng khác.
Miền Trung - nơi thường xuyên phải hứng chịu những trận lũ, bão. |
Tuy nhiên, chính việc hằng ngày phải đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để sinh tồn đã tạo nên ở con người miền Trung một đặc điểm tính cách phi thường. Đó là sự chịu đựng gian khổ, đặc biệt là sự ý thức vươn lên để làm chủ số phận, cuộc đời.
Gian khổ đã tạo nên nhu cầu bứt phá, thay đổi số phận, đồng thời thôi thúc con em miền Trung vươn lên thoát cái khổ, cái nghèo. Và trong ý thức của các em, con đường duy nhất để “đổi đời” chỉ có thể là nắm lấy tri thức, chăm chỉ “dùi mài kinh sử” và tiến thân bằng con đường học vấn, quan trường.
Thêm nữa, tinh thần hiếu học của học sinh miền Trung không chỉ là sản phẩm của sự nỗ lực của bản thân các em mà đó còn là sự kỳ vọng, đức hy sinh của những người xung quanh. Những câu chuyện về cha mẹ nhịn ăn, nhịn mặc để con đến trường, ông giáo làng luyện thi miễn phí cho các sỹ tử… đã không còn là hiếm ở dải đất miền Trung này. Chính những kỳ vọng về “hậu sinh khả úy”, “con hơn cha nhà có phúc”… là nguồn động lực để các bậc phụ huynh nơi đây luôn chịu khó, nhận phần thiệt để con em họ có thể tiếp cận trí thức và thay đổi cuộc đời.
Miền Trung qua mỗi năm vẫn phải hứng chịu sự đày đọa từ thiên nhiên. Mỗi lần như vậy, người dân nơi đây lại phải gồng mình chống chọi, phải nỗ lực vượt lên để mà thoát nghèo, thoát khổ. Và cứ thế, trong dòng chảy khổ cực ấy, con thuyền ham học, mong muốn “đổi đời” nhờ trí thức của người dân miền Trung vẫn lao về phía trước. Chính những thành công ở Đường lên đỉnh Olympia hay trên các đấu trường quốc tế là minh chứng cho sự nỗ lực không biết mỏi mệt của con em và bản thân họ. Đúng là đất cằn thì luôn cho trái ngọt!
Tác giả: Lê Công
Nguồn tin: antt.vn