Giáo dục

Học sinh đánh nhau vì những lý do 'lãng xẹt'

Nghĩ sẽ được ngưỡng mộ, tung hô khi "trị" được nhóm học sinh lười học, hay trêu con gái, Tiến hẹn đối phương "nói chuyện" tại bãi đất cạnh trường.

Tiến, sinh năm 2006, đang học một trường THCS ở Thanh Hóa. Lớp Tiến tiếp nhận khoảng chục học sinh được đào tạo để thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Những em này học trên lớp buổi sáng, buổi chiều tập thể thao, không phải học phụ đạo. Tiến kể, vì chỉ học văn hóa cho có, ngoại hình vượt trội so với bạn cùng trang lứa, nhóm bạn này thường xuyên trêu chọc bạn nữ, tỏ ra hống hách.

Đến cuối năm lớp 8, khi đã cao hơn 1,7 m, nặng 60 kg, tự tin với ngoại hình và muốn thể hiện bản thân với bạn bè trong lớp, Tiến hẹn "nói chuyện" với nhóm học sinh thể thao tại bãi đất đang thi công dở bên cạnh trường học. Em nghĩ nếu đánh nhau thắng, em sẽ "dẹp yên" được lớp, trở thành thủ lĩnh, được mọi người ngưỡng mộ và tung hô. Tiến rủ khoảng 10 học sinh khác trong lớp để "nói chuyện" với nhóm kia khi kết thúc buổi học sáng.

Sau vài câu chửi bới qua lại, Tiến cho rằng nhóm học sinh thể thao vênh váo, không biết điều nên hô to một tiếng "đánh". Khoảng 20 nam sinh xông vào đánh nhau túi bụi, gây náo loạn cả trường học bên cạnh, nhiều giáo viên chứng kiến nhưng không dám can ngăn. Nhìn thấy chiếc xẻng của công nhân để lại ở bãi cát cạnh đó, Tiến nhanh chóng chạy ra nhặt và đập thẳng vào mặt một học sinh khác. Nạn nhân bị gãy mũi, chảy nhiều máu.

Chỉ khi một học sinh bị đổ máu, cuộc ẩu đả mới dừng lại. Không bên nào "thắng cuộc", nhiều em phải mời phụ huynh lên trường làm việc, nhưng không có Tiến. Em kể, do "luật bất thành văn" là không khai ra nhau, ai bị gọi thì tự chịu. Ở lớp, Tiến lại học khá. Cuộc ẩu đả không có sự chứng kiến của giáo viên chủ nhiệm nên cô không biết Tiến cũng góp mặt, thậm chí cầm đầu.

Nhận được câu hỏi cuộc ẩu đả có giúp thay đổi điều gì, Tiến bật cười, lắc đầu. "Nhóm học sinh thể thao tiếp tục phá lớp, không học hành gì và cũng chẳng có ai ngưỡng mộ hay tung hô em. Sau một năm, em thấy lý do đánh nhau thật buồn cười", Tiến nói, thừa nhận mình may mắn khi không bị kỷ luật.

Ảnh: Shutterstock

Còn với Thư, sinh năm 1999, hiện là sinh viên đại học tại Hà Nội, đánh nhau thời học sinh là chuyện thường nhưng cũng toàn vì lý do "không đâu vào đâu". Từ những ngày cấp hai, do chị gái du học ở Nga, Thư trở nên khác biệt với bạn bè do hay mặc những bộ quần áo điệu đà, kiểu cách do chị gửi về. Nữ sinh kể, dù ở Hà Nội, trường cấp hai khi đó cũng chỉ nằm ở ngoại thành, không khác gì trường tỉnh nên Thư bị chú ý, dần dần bị ghét. Thay vì sợ, em càng vênh váo và thể hiện.

Ngay khi vào một trường THPT công lập ở Hà Nội, Thư đã gia nhập "hội nữ tướng" gồm nhiều đàn chị "có máu mặt" trong trường, thường đánh nhau để dằn mặt với những người mình không thích, cho rằng đang nhìn đểu hoặc tán tỉnh đối tượng của một người trong hội. Có mẹ làm hội trưởng phụ huynh, Thư thường xuyên thoát tội sau các cuộc ẩu đả.

Lực học trung bình, Thư thường "cầu cứu" Ngọc, bạn ngồi cùng bàn, cho chép bài trong giờ kiểm tra, nhưng Ngọc không đồng ý. Nhiều lần "nóng mắt" vì thái độ "chảnh chọe, không giúp đỡ bạn bè" của Ngọc, trong một giờ ra chơi, Thư chặn Ngọc trong nhà vệ sinh, rủ thêm vài bạn bè và đánh tới tấp nữ sinh này. Trong lúc vật lộn, Thư giật hoa tai khiến Ngọc bị rách một phần tai. Ngọc ôm tai kêu khóc.

Thư phải mời phụ huynh đến làm việc, bị đình chỉ học ba ngày, hình phạt chưa từng có trong khối khi đó. Nữ sinh chia sẻ, lúc đánh nhau thì rất hăng, thường không nghĩ đến hậu quả và cũng vì quen với việc được "giơ cao đánh khẽ" của giáo viên. Đến khi bị phạt nặng, Thư mới ngỡ ngàng.

"Lúc đó, mình bắt đầu thấy sợ, nghĩ bị đuổi học thì phải làm sao", Thư kể. Sau cuộc ẩu đả, nữ sinh và Ngọc được chuyển chỗ ngồi tách xa nhau. Bị quản thúc chặt hơn, lại không có ai để chép bài và bắt đầu sợ, Thư rời nhóm "nữ tướng", tập trung ôn thi đại học như bạn bè. Sau này nghĩ lại, Thư thừa nhận lý do đánh nhau "lãng xẹt" và không đáng phải giải quyết bằng nắm đấm.

Đức, 16 tuổi, học lớp 11 một trường THPT tư thục ở TP HCM, từng là học sinh "cá biệt" những năm cuối cấp hai. Khi đó còn ở Đồng Nai, vài tháng một lần, em hẹn bạn cùng hoặc khác trường đến bãi đất trống gần trường "nói chuyện". Nguyên nhân đánh nhau đủ kiểu, từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, nói xấu "thần tượng" của nhau, cho rằng đối phương "đểu" khi chơi game online. Có lần, Đức hẹn bạn đánh nhau chỉ vì bạn ý "so sánh em với một con vật".

Đức kể, mỗi lần hẹn "nói chuyện", nhóm em đi 3-4 người và đều là học sinh cùng trường để gặp đối phương. Nếu gặp nhóm "dĩ hòa vi quý", chịu nói lời xin lỗi trước thì hai bên "huề cả làng" ra về. Gặp nhóm "không vừa", hai bên cãi cọ một hồi thì lao vào đánh đấm túi bụi rồi mạnh ai nấy chạy. "Hồi đó tụi em chỉ đánh nhau cho bõ ghét rồi thôi. Sau mỗi trận đòn thì cũng trầy da, bầm mặt chứ không bị thương vì không bao giờ dùng gậy gộc, vũ khí nguy hiểm", Đức kể.

Tiếng xấu đồn khắp nơi, Đức và nhóm bạn trở thành "đàn anh" trong trường khiến bạn bè thường tránh mỗi khi gặp mặt. Với Đức, thấy nhiều bạn sợ mình tạo cho em cảm giác hãnh diện. Học hành ngày càng sa sút, có lần sự việc đánh nhau được báo về trường, Đức được gọi lên phòng giám thị nghe cảnh báo. Song em bỏ ngoài tai, chối bay việc đánh nhau với thầy cô giáo.

Về nhà, em cũng nói dối bố mẹ về những vết thương hay chống chế khi bị thầy cô phản ánh. Vì quá bận rộn với việc kinh doanh, bố mẹ em ậm ờ cho qua chuyện, không truy vấn thêm và chu cấp tiền ăn học đầy đủ.

Tốt nghiệp THCS với hạng trung bình, Đức được cha mẹ gửi lên TP HCM học nội trú, cuối tuần mới về nhà một lần. Khi mới nhập học THPT, trong đầu em nảy ý định kết bè kết phái để có một nhóm "đại bàng" như thời cấp hai. Tuy nhiên, "sự chăm chỉ, hiền lành của những bạn cùng lớp" khiến Đức hụt hẫng.

Không có ai để gây chuyện, cũng không được ra ngoài để la cà như trước, lại bị giám thị quản lý sát sao, em đành phải học để... giết thời gian. Những điểm tốt đầu tiên ở môn Toán, từ 6 lên 7, rồi 8 khiến Đức hào hứng. "Lúc đó em cảm giác rất lạ, rất vui nhưng không phải đến từ việc được người ta sợ khi mình làm đại ca. Em nhận ra mình không hề học dốt mà chẳng qua là bỏ bê học tập", Đức kể.

Nhớ lại chuyện mấy năm trước, Đức cảm thấy may mắn vì bản thân không bị thương hoặc chưa gây tổn thương lớn cho bất cứ ai sau những lần đánh nhau vì nhiều lý do "lãng xẹt".

Từ đầu năm học 2020-2021 đến nay, nhiều học sinh đánh nhau, gây thương tích. Ngày 18/11, nhóm học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, đã hẹn một nữ sinh lớp 8A5 cùng trường đến đoạn đường vắng cách trường 2 km để hành hung. Nhóm này túm tóc, thúc gối, đạp vào mặt, đầu nạn nhân khiến nữ sinh phải nhập viện điều trị. Sáu ngày sau, một nữ sinh khác lớp 11, trường THPT Quảng Xương, cầm bốn mũ bảo hiểm đập vào đầu bạn lớp 12, bắt quỳ gối xin lỗi.

Cuối tháng 11, Nguyễn Văn Vỹ, lớp 9D, trường THCS Châu Giang, Hà Nam, chết sau khi xô xát với Đạt, nam sinh lớp 9A cùng trường. Đạt đã bị khởi tố, tạm giam để điều tra tội Cố ý gây thương tích. Tại Hà Nội, hai học sinh lớp 10 và 11 trường THPT Mỹ Đức C cầm dao, gậy đuổi nhau trong sân trường ngày 30/11, khiến một em bị trầy môi, mẻ răng.

Trong Hội nghị thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chỉ trong một năm toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trong ba năm 2013-2015, 25.000 vụ phạm pháp hình sự với 42.000 người đã bị xử lý, trong đó 75% là thanh niên và học sinh, sinh viên.

Tác giả: Thanh Hằng - Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok