Học sinh Trường THCS Hoàng Lê Kha trong bữa ăn bán trú Ảnh: |
Mỗi HS có một khay đồ ăn riêng gồm 2 miếng thịt gà kho, một ít bầu xào, cơm và canh để trong các tô lớn trên bàn, HS ăn thoải mái.
Trường có bếp riêng với 5 đầu bếp và 10 nhân viên, bảo mẫu phục vụ giờ ăn. “Chúng tôi đặt thực phẩm của các công ty uy tín, có giấy tờ kiểm định đầy đủ, họ mang tới tận trường học. Chúng tôi không đặt cơm công nghiệp, vì tự nấu cơm sẽ ngon hơn và nhiều đồ ăn hơn. Cơm chín thì nhân viên y tế ăn trước, hiệu trưởng hoặc hiệu phó trực ban cũng sẽ ăn cơm cùng các em”, ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng, nói.
Hiện bữa ăn bán trú ở tiểu học và trung học không có một chuẩn chung ở mức tối thiểu và cho từng bậc học mà phụ thuộc vào điều kiện đóng góp của gia đình ở từng vùng miền.
Gia Phúc, HS lớp 6, cho hay: “Con thường ăn hết phần cơm của mình. Thức ăn ở đây ngon, con thích ăn cơm với thịt gà hoặc trứng chiên”. Kiều Nhi, HS lớp 9, bày tỏ: “Thức ăn mỗi bữa được đổi thường xuyên nên con không thấy nhàm chán. Con thích ăn rau nên thường lấy thêm canh”.
Ông Đinh Phú Cường, cho biết: “Chúng tôi thu mỗi cháu 28.000 đồng tiền ăn bán trú một ngày, trong đó gồm có cơm trưa và một bữa xế sau khi ngủ dậy với bánh, sữa. Chúng tôi có mời chuyên gia dinh dưỡng về nói chuyện với HS và các thầy cô giáo, nhân viên nhà bếp mỗi năm 2 lần”.
Theo ông Cường, nhân viên nhà bếp của nhà trường đều được đi khám sức khỏe mỗi năm một lần. Cán bộ nhà trường và nhân viên nhà bếp đều được đi học và cấp chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng chỉ này có giá trị trong 3 năm.
Hàng loạt vụ việc liên quan đến bữa ăn bán trú từ đầu năm học đến nay đang khiến không ít phụ huynh cùng dư luận xã hội lo lắng và đặt vấn đề về chất lượng bữa ăn của học sinh trong nhà trường.
Ông Cường cũng cho hay có phụ huynh xin phép cho con mang cơm từ nhà đến lớp để ăn, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. “Hiện có 2 HS như vậy, các cháu được sắp xếp một khu riêng để ăn, chúng tôi ưu tiên không lấy tiền bán trú”, ông Cường chia sẻ.
Phụ huynh giám sát bữa ăn Trong khi đó, vì điều kiện cơ sở vật chất không thể tổ chức bếp ăn tại chỗ nên từ nhiều năm nay, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) phải lựa chọn phương án cho HS sử dụng suất ăn sẵn do đơn vị nấu ăn bên ngoài nhà trường thực hiện. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng, cho hay nhà trường lựa chọn đơn vị có uy tín, có quy trình chế biến thực phẩm theo đúng quy định và được cơ quan quản lý chức năng cấp giấy phép. Đồng thời, nhà trường kết hợp với Ban đại diện cha mẹ HS cùng giám sát bữa ăn. HS đóng tiền ăn 35.000 đồng/ngày bao gồm bữa trưa 25.000 đồng với thức ăn mặn, canh, đồ xào, trái cây tráng miệng và bữa xế là 10.000 đồng với sữa, bánh ngọt… Trong khi đó, anh T.S, 40 tuổi, phụ huynh có con học lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM, cho hay con anh học bán trú ở trường này từ lớp 1, để yên tâm, anh từng bất chợt đến trường của con để kiểm tra bữa ăn bán trú. "Tôi không hẹn trước giáo viên mà đến giờ ăn của con thì xin phép vào. Khay cơm của con bữa đó có sườn ram, canh bí đỏ thịt bằm, rau cải xào, tôi thấy sạch sẽ, các con đều ăn vui vẻ", anh T.S nói. Bích Thanh - Thúy Hằng |
Tác giả: Thúy Hằng
Nguồn tin: Báo Thanh Niên