Giáo dục

Học làm sao cho có Nhân - Trí - Thể - Mỹ là được

Trong nhu cầu của sự đổi mới, cần thiết phải đánh giá lại nội dung của các môn học, để từ đó có một cơ cấu hợp lý.

LTS: Đọc bài viết "Học trò phổ thông thực sự cần học bao nhiêu môn?" của tác giả Phan Tuyết, thầy giáo Trần Trí Dũng cho rằng cần trao đổi thêm về vấn đề nội dung học của bậc trung học phổ thông.

Theo ý kiến của thầy, nội dung học cần phải đảm bảo bốn yêu cầu cơ bản là: Nhân, Trí, Thể, Mỹ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/12/2016 đăng bài viết "Học trò phổ thông thực sự cần học bao nhiêu môn?" của tác giả Phan Tuyết.

Trong bài viết, tác giả nêu câu chuyện có thật về một người học không đều ở các môn, thậm chí kém ở nhiều môn học nhưng vẫn vào được Đại học và sau này phát triển rất tốt công việc.

Đây chính là một vấn đề khiến chúng ta phải suy ngẫm về sự học, trong việc đánh giá khả năng thực của người học cũng như nhìn nhận lại vai trò của các môn học đang được giảng dạy ở nhiều cấp học hiện nay, đặc biệt khi mà Đảng và Nhà nước đang có chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Vì thế, cần thiết có sự trao đổi thêm, mở rộng về vấn đề này.

Trong câu kết của bài viết, tác giả viết: "Học sinh trung học phổ thông phải học cùng lúc nhiều môn học quá cũng sẽ gây khó khăn cho việc các em học những môn sở trường để phát triển nghề nghiệp tương lai của mình".

Vấn đề này cũng đặt ra một ý là chúng ta cần thiết phải xem lại cơ cấu và vai trò của các môn học, để từ đó có những phương án chung thích hợp.

Học sinh trung học học bao nhiêu môn là đủ? (Ảnh minh họa trên Báo Đại Đoàn Kết)

Mục tiêu chung của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Việc đưa môn học nào vào chương trình học tập cho học sinh là nhằm đảm bảo mục tiêu chung.

Học sinh khi học nếu bộc lộ khả năng ở môn học nào thì có thể lựa chọn học nhiều những môn học đó, từ đó định hướng phát triển nghề nghiệp. Chính vì thế mà chúng ta đặt ra chủ trương phân ban kiến thức cho học sinh.

Với mục tiêu nhằm nâng cao dân trí, yêu cầu đặt ra đối với người học là học đều ở các môn.

Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình học tập, có những người lại bộc lộ khả năng vượt trội chỉ ở một số môn nhất định. Số này tuy không nhiều nhưng phản ánh về những năng lực khác nhau của người học.

Trong thực tiễn, có những người tuy không giỏi khi học hành ở trường lớp nhưng lại rất giỏi trong công việc thực tế.

Những việc làm phi thường và phát minh của một số nông dân mà chúng ta biết là sự minh chứng cho điều đó.

Bởi lẽ, ở họ có sự tích lũy từ kinh nghiệm sống và làm việc, cộng thêm là sự hăng say công việc với tư chất thông minh mà họ làm được những việc mà người khác không làm được.

Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là học bao nhiêu cho đủ?

Ở trường học, các môn học nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản, khi học những môn đó cũng để hình thành và phát triển tư duy.

Mỗi một môn học có vai trò và ý nghĩa khác nhau.

Theo phân loại truyền thống của hệ thống khoa học cơ bản Việt Nam hiện nay thì phổ biến hai phân hệ: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Các môn Khoa học tự nhiên đặt ra yêu cầu cho người học phải có tư duy nhanh nhạy và mạnh mẽ, cộng với đó là khả năng tìm tòi và sáng tạo.

Các môn Khoa học xã hội đòi hỏi tư duy mang tính tiềm tàng, theo chiều sâu và không bộc lộ, chủ yếu đòi hỏi người học kỹ năng nhớ và khả năng suy luận vấn đề.

Thông thường, những người học giỏi các môn Khoa học tự nhiên thì cũng có thể học giỏi các môn Khoa học xã hội, tuy nhiên có những người chỉ giỏi các môn Khoa học xã hội như bài viết của tác giả Phan Tuyết đã dẫn.

Chính vì thế mà từ lâu đã hình một tư tưởng là các môn Khoa học tự nhiên được xem là những môn chính và nhũng môn học còn lại là những môn phụ.

Các môn học được thiết kế đều nhằm đảm bảo các yêu cầu chung của giáo dục. Mỗi một môn học đều có vai trò khác khau mà khi học là nhằm đảm bảo mục tiêu chung là nâng cao dân trí.

Vấn đề đặt ra là cần học những gì, đây là yêu cầu đặt ra còn mang tính lịch sử - chính trị của từng giai đoạn phát triển cụ thể.

Chính vì thế, trong nhu cầu của sự đổi mới, cần thiết phải đánh giá lại nội dung của các môn học, để từ đó có một cơ cấu hợp lý.

Ở đây, nhằm đảm bảo kiến thức chung cho người học là nhằm đáp ứng bốn yêu cầu cơ bản: Nhân, Trí, Thể, Mỹ.

Theo đó, Nhân là sự hoàn thiện và phát triển nhân cách con người; Trí là trí tuệ bao hàm cả sự hiểu biết; Thể là thể chất và sức khỏe; Mỹ là sự cảm thụ về cái đẹp.

Với bốn yêu cầu này, việc xác định, thiết kế và xây dựng dựng các môn học dựa trên cơ sơ mục tiêu chung và phải hài hòa về khả năng nhận thức của người học.

Để đảm bảo yêu cầu về Nhân, các môn học cụ thể phải cung cấp cho người học về sự hình thành và hoàn thiện nhân cách, năng lực và phẩm chất.

Đây là một yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo mục đích: học để làm người.

Khi đó, các môn học cần có phải khai thác các giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, các yếu tố và thuộc tính con người với những kỹ năng sống theo những tình huống cụ thể.

Để đảm bảo yêu cầu về Trí, các môn học cần có phải nhằm đáp ứng định hướng sự hình thành, phát triển nhận thức và tư duy trên nền tảng khoa học cơ bản.

Thêm vào đó là kỹ năng nhận thức, cách khai thác và giải quyết vấn đề, khả năng biện luận mà kèm theo đó là sự sáng tạo. Cung cấp sự hiểu biết về giới tự nhiên và xã hội, từ đó hình văn hóa trong nhận thức và con người.

Để đảm bảo yêu cầu về Thể, các môn học cần có phải nhằm đảm bảo sự phát triển về thể chất và sức khỏe.

Theo đó, một tư duy và nhận thức lành mạnh chỉ tồn tại và phát triển trên một nền tảng cơ thể của một con người mạnh khỏe. Cùng với đó là sự năng động với những kỹ năng sáng tạo cần thiết.

Để đảm bảo yêu cầu về Mỹ, các môn học cần có nhằm đảm bảo cho người học cảm thụ được cái đẹp, cái đẹp ở đây bao hàm các giá trị thẩm mỹ chung về con người, giới tự nhiên và xã hội, văn hóa trong cách sống và ứng xử.

Sự hài hòa bốn yếu tố trên trong việc cung cấp kiến thức cho người học để có thể trả lời câu hỏi là học bao nhiêu cho đủ với các yêu cầu cơ bản nhất.

Khi đó, với sự phát triển của tư duy giáo dục, cùng với sự phân luồng trong đào tạo hợp lý sẽ hình thành hệ thống tư tưởng, nhận thức để xây dựng hệ thống các môn học thích hợp, giúp định hướng phát triển theo khả năng của người học.

Việc đảm bảo cho các môn học, hình thành hệ thống đào tạo thích hợp đòi hỏi người xây dựng chính sách phải có tầm nhìn chiến lược.

Hy vọng rằng, từ sự đánh giá đúng, với những chủ trương đúng đắn, giáo dục Việt Nam nói chung sẽ phát triển theo những chiều hướng tích cực và hiệu quả.

Tác giả bài viết: Trần Trí Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok