Tiếng trống trường điểm giờ tan học cũng là lúc mà hàng loạt những chiếc xe điện đã đứng chờ sẵn tại cổng trường liên cấp TH&THCS Hoằng Đức 2 để đón các em học sinh trở về nhà. Hàng chục em nhỏ nói cười rôm rả, lần lượt trèo lên xe và ngồi chen chúc nhau đến nghẹt thở.
Những chiếc xe điện chật ních các em học sinh, đang nối đuôi nhau trên đường làng. |
Sau khi cài cửa lên xuống của xe, những chuyến xe điện bắt đầu “ung dung” lăn bánh rời cổng trường, tham gia giao thông trên tuyến QL10 và toả về các ngã đường khác nhau.
Quan sát cho thấy: Đây là loại xe điện chuyên dùng để phục vụ hoạt động đưa đón khách tham quan tại các khu du lịch đã được chủ phương tiện chế thêm hàng rào sắt bao quanh, tựa như chiếc lồng để tránh việc các em học sinh bị rơi ra khỏi xe trong quá trình di chuyển. Và theo quy định thì loại phương tiện này chỉ được hoạt động trong phạm vi nhất định và buộc phải đăng ký hành trình xe chạy, không có trong danh mục phương tiện vận tải được lưu thông bình thường.
Xe dừng trả học sinh tại làng Mỹ Đà. |
Chứng kiến cảnh tượng trên, ai nấy đều không khỏi giật mình và lo lắng cho tính mạng của các em học sinh. Bởi đoạn QL10 và một số vị trí xe điện di chuyển qua có rất đông các phương tiện tham gia giao thông khác cùng hoạt động, đặc biệt là xe tải nặng, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ xảy ra là tai nạn giao thông có thể ập đến bất kỳ lúc nào.
Làm việc với chúng tôi, thầy Hoàng Văn Mậu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm ngoái và đầu năm nay, trường có nhận được văn bản của huyện về việc nghiêm cấm dùng xe điện đưa đón các em học sinh và cũng đã báo cáo lên UBND xã cũng như thông báo đến phụ huynh học sinh. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng để mời các chủ phương tiện lên yêu cầu họ chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, cũng chỉ hạn chế được một thời điểm và vừa rồi các chủ phương tiện lại tiến hành hoạt động đưa đón học sinh. Thầy Mậu cũng thừa nhận việc đưa đón các em bằng xe điện là rất tiện, nhưng không đảm bảo về mặt an toàn và không đúng với những quy định của pháp luật.
Trường liên cấp TH&THCS Hoằng Đức 2. |
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đình Bằng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Đức cho biết: Thực hiện công văn chỉ đạo của huyện, ngay từ năm ngoái chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho Công an xã mời các chủ sở hữu phương tiện trên lên ký cam kết là dừng hoạt động và định hướng cho bên Công an địa phương nếu cảm thấy không làm được điều đó thì sẽ đề nghị Công an huyện để có CSGT về đây cùng xử lý, ngăn chặn. Ông còn khẳng định thêm: Đang trong lúc dịch giã thế này, địa phương cũng rất là ngại vì các em ngồi chồng chất, không may lây lan dịch bệnh. Hơn nữa mất an toàn giao thông, vì các em học sinh đang còn nhỏ, không thể tự mình thoát ra khỏi xe được, do xe đóng chặt cửa, nhỡ may có va chạm nhẹ một chút, xe lật là rất nguy hiểm. Nhưng do nhu cầu của người dân nên người ta vẫn cứ lén lút để làm việc này, với lý do một số gia đình không có người đưa đón... Mặc dù ông Chủ tịch xã nói vậy, nhưng trên thực tế các xe điện vẫn đưa đón học sinh bình thường, điều đó cho thấy công tác quản lý của chính quyền địa phương còn hạn chế. Ông Lê Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hoá phụ trách Văn xã, khi chúng tôi trao đổi nói sẽ cho kiểm tra lại việc này.
Xin đừng đánh cược tính mạng các em học sinh trên những chiếc xe điện? Đó là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Hoằng Hoá.
Thực tế cho thấy trong những năm qua, trên địa bàn cả nước đã có không ít những bài học xương máu về việc vận chuyển, đưa đón các em học sinh đến trường và đã phải trả giá đắt.
Sớm chấm dứt tình trạng trên là việc cần phải làm ngay. Tránh tình trạng “khi mất bò mới lo làm chuồng” thì đã quá muộn./.
Tác giả: Đình Đông
Nguồn tin: phapluatquanly.vietnamhoinhap.vn