Pháp luật

Hoãn phiên xử vụ sai phạm ở 2 dự án liên quan tới bị cáo Tất Thành Cang

Tại phiên xử vụ sai phạm ở 2 dự án liên quan tới bị cáo Tất Thành Cang, do nhiều người có quyền lợi liên quan và một số luật sư vắng mặt nên tòa hoãn xử.

Ngày 6/3, TAND Cấp cao tại Tp.HCM mở phiên xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại dự án Khu dân cư Ven Sông và Phước Kiển, do bị cáo Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Tp.HCM) và các thuộc cấp thực hiện.

Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo của 9 bị cáo, kháng cáo của Công ty CP đầu tư Quốc Cường Gia Lai (Công ty Quốc Cường Gia Lai) và kháng nghị của Viện kiểm sát. Riêng bị cáo Tất Thành Cang không kháng cáo.

Trong phần thủ tục phiên toà, bị cáo Phan Thanh Tân (cựu Phó Chánh văn phòng Thành uỷ Tp.HCM) đề nghị HĐXX hoãn phiên xử, lý do 2/3 luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt tại phiên xét xử.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Công Thiện cũng có yêu cầu hoãn phiên toà.

Bên cạnh đó, một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt. Đặc biệt, bị cáo Tất Thành Cang cũng không được dẫn giải tới tòa.

Trước diễn biến này, sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để bào đảm quyền lợi cho các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Thời gian mở lại sẽ thông báo sau.

Trước đó, hồi tháng 10/2022, bị cáo Tất Thành Cang, phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM; Trần Công Thiện, Tổng Giám đốc, thành viên HĐTV - Chủ tịch Hội đồng xây dựng giá Công ty Tân Thuận và nhóm 8 đồng phạm bị TAND Tp.HCM đưa ra xét xử về cùng tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí

Theo HĐXX cấp sơ thẩm, dự án Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông đều do Công ty Tân Thuận làm chủ sở hữu.

Công ty Tân Thuận sau đó chuyển nhượng 2 dự án này cho công ty Quốc Cường Gia Lai nhưng không được báo cáo cho tập thể thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy, trái với Quyết định số 1087 ngày 31/3/2009 của Ban thường vụ Thành ủy.

Ngoài ra, việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá trái với quy định tại Nghị định 91/2015 (về quy định việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) và không đúng với Nghị định 44/2014 về quy định giá.

Sai phạm trong chuyển nhượng giá rẻ 2 dự án nói trên khiến tài sản Nhà nước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Hành vi của các bị cáo trong vụ chuyển nhượng hơn 32ha tại dự án Khu dân cư Phước Kiển và chuyển nhượng dự án Ven Sông do Công ty Tân Thuận quản lý cho Công ty Quốc Cường Gia Lai mà không thực hiện thẩm định giá, không đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Các dự án nói trên là tài sản nhà nước, sai phạm của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Công Thiện đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục để chuyển nhượng dự án, ký văn bản đề nghị Thành ủy TP.HCM chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ phần diện tích đã bồi thường tại dự án khu dân cư Phước Kiển và một phần dự án khu dân cư Ven Sông… không đúng quy định, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền 207,4 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Trần Công Thiện có vai trò chủ mưu, xuyên suốt.

Đối với bị cáo Tất Thành Cang, là Phó bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản của Đảng bộ Tp.HCM, phụ trách Văn phòng Thành ủy, nhưng không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy mà tự ý cho chủ trương để cấp dưới thực hiện chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển với giá được xây dựng không đúng quy định dẫn đến giá trị chuyển nhượng thấp, gây thất thoát số tiền hơn 154 tỷ đồng của Đảng bộ Thành phố này tại Công ty Tân Thuận

Cũng theo HĐXX, số tiền thất thoát của Nhà nước theo cáo trạng là chưa phù hợp với quy định pháp luật, cũng như chưa đảm bảo việc xem xét vụ án một cách đầy đủ, toàn diện... Do đó, số tiền thất thoát trong vụ án theo HĐXX là phải được tính tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Cụ thể, số tiền thất thoát tại dự án khu dân cư Phước Kiển là 154,8 tỷ đồng; thất thoát tại dự án Khu dân cư ven Sông là 52,5 tỷ đồng. Tổng thất thoát ở 2 dự án là 207,4 tỷ đồng.

Đối với nhóm 8 bị cáo còn lại, trong đó có 3 cựu cán bộ Văn phòng Thành ủy Tp.HCM, các bị cáo đóng vai trò giúp sức, thực hiện nhiều hành vi trái luật. Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội như cáo trạng quy kết, tùy vào tính chất, mức độ, hành vi phạm tội mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm tương xứng.

Từ các nhận định nêu, HĐXX cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt các bị cáo Trần Công Thiện 13 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 26 năm tù; Trần Tấn Hải 5 năm tù; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Tùng cùng 4 năm tù; Nguyễn Hoàng Việt, Phan Thanh Tân 3 năm tù.

Đối với nhóm cựu cán bộ Văn phòng Thành ủy Tp.HCM, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 6 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 14 năm 6 tháng tù; Phạm Văn Thông 11 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 17 năm tù; Huỳnh Phước Long: 9 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 21 năm tù và Nguyễn Văn Minh 8 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 11 năm tù.

Tác giả: Võ Công Thư

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok