Nếu các bạn thử tra Google cụm từ ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi dám chắc – bởi tôi đã thử – các bạn sẽ thấy tràn ngập hình ảnh phụ nữ với hoa, thiệp, và trái tim… Ngoài đời thường, mấy ngày qua, tôi thật sự ấn tượng về độ “nóng” của phố phường Hà Nội, các đấng nam nhi tất bật chọn hoa, quà để tặng cho những người phụ nữ của cuộc đời họ.
Thúc đẩy quyền bình đẳng, quyền được đi bỏ phiếu
Bà Andrea Prince là chuyên gia luật lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam. Ảnh: ILO. |
Dường như, cái ngày dành cho phụ nữ này bắt buộc phải là dịp để tôn vinh “bản chất nữ tính”, phẩm chất của người phụ nữ và tình yêu dành cho phụ nữ. Dĩ nhiên, hoa và quà thật tuyệt vời, nhưng liệu đó có phải là tất cả ý nghĩa của ngày này?
Sự thực là, Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm lần đầu vào năm 1911 nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng. Ngay sau đó, hơn 1 triệu người ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sỹ đã cùng nhau diễu hành đòi quyền cho phụ nữ được bầu cử và được tham gia các cơ quan công quyền. Họ cũng phản đối những hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính liên quan đến việc làm.
Từ đó, qua dòng thời gian, Quốc tế Phụ nữ cũng đã trở thành dịp để ghi nhận những thành tựu của phụ nữ trên khắp thới giới, cũng như là thời điểm để phụ nữ đoàn kết lại đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng trên mọi lĩnh vực – và đặc biệt là, tại nơi làm việc.
Những nhà lãnh đạo ở Việt Nam đã vạch ra một cách đúng đắn nguyên tắc về bình đẳng giới, và vì vậy, Bộ Luật Lao động quy định phụ nữ phải được đối xử bình đẳng trong lao động. Tuy nhiên, cũng như ở nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn cả một quãng đường dài phía trước để đưa nguyên tắc vào thực tế, để thật sự đạt được bình đẳng trong đối xử, quyền, và cơ hội.
Mặc dù có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức cao so với mặt bằng chung của thế giới, lao động nữ ở Việt Nam lại thường tập trung ở khu vực phi chính thức – nơi thiếu vắng sự bảo vệ và ổn định. Trong số những người lao động làm công ăn lương, thu nhập của phụ nữ trung bình ít hơn nam giới tới 12%.
Cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ tại Anh năm 1911. Ảnh: Getty. |
Nhiều rào cản với phụ nữ VN trong sự nghiệp
Và thử hỏi bạn có thường xuyên gặp phụ nữ ở cấp lãnh đạo không? Tôi đoán câu trả lời là "không", bởi Báo cáo điều tra lao động việc làm mới nhất cho thấy chỉ 27% lãnh đạo trong các ngành, cấp, đơn vị là nữ giới. Những con số này nói lên tất cả. So với nam giới, phụ nữ còn gặp quá nhiều rào cản trên con đường phát triển sự nghiệp.
Bởi vậy, thay vì tặng hoa hay tung hô phụ nữ như những “vẻ đẹp thụ động”, ngày Quốc tế Phụ nữ có lẽ là lúc chúng ta cần chú ý tới những nỗ lực thật sự nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nêu gương những nhà lãnh đạo nữ, những doanh nhân nữ, khuyến khích tranh luận về những thách thức cản trở bình đẳng, và làm thế nào để tiếng nói của phụ nữ được thực sự lắng nghe.
Tuần này, tình cờ cũng trùng với dịp kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ, tôi có cơ hội tham dự hai sự kiện liên quan đến sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012 nhằm giúp hiện thực hóa bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Một số vấn đề nổi cộm hiện nay bao gồm việc Bộ Luật hiện vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa về quấy rối tình dục, hay phụ nữ mang thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú không được làm một danh sách dài các loại hình công việc. Đồng thời, khoảng cách chênh lệch 5 năm trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cũng là một vấn đề quan trọng, bởi chính 5 năm này khiến người phụ nữ được đào tạo ít hơn, được thăng tiến ít hơn, nhận thu nhập thấp hơn, và lương hưu cũng thấp hơn.
Phụ nữ Việt vẫn chèo lái những con thuyền nặng
Điều đáng bàn là những chính sách ấy được xây dựng dựa trên giả định là phụ nữ nói chung yếu hơn và cần được bảo vệ. Khi tôi được chứng kiến những thực tế diễn ra hàng ngày tại Việt Nam, tôi khó có thể tin vào giả định này: Phụ nữ nơi đây hiện vẫn đang làm những công việc vất vả, khó nhọc nhất – họ chèo lái những chiếc thuyền du lịch rất nặng với đầy ắp khách, họ nhặt rác và đẩy những xe rác chất cao, họ trộn bê tông, khuân vác gạch ở những công trường xây dựng…
Và càng ngày chúng ta sẽ càng thấy nhiều phụ nữ đảm nhận những công việc vất vả, khó nhọc nhưng theo một loại hình khác – khởi nghiệp, bắt đầu từ những doanh nghiệp nhỏ, điều hành những doanh nghiệp lớn, những tổ chức quan trọng, giữ cương vị bộ trưởng hay những học giả hàng đầu.
Phụ làm công việc nặng nhọc nhưng có nguy cơ bị trả lương thấp hơn đàn ông. Ảnh: India Times. |
Sự tách rời giữa một bên là cách tiếp cận theo hướng bảo vệ của pháp luật hiện nay và một bên là năng lực đã được chứng minh và mong muốn của người phụ nữ, đã ngày một lớn hơn, và yêu cầu thay đổi trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, có lẽ, đã đến lúc Việt Nam trả lại ý nghĩa thật sự cho ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay.
Đã đến lúc phụ nữ và nam giới cùng nhìn lại những chính sách và pháp luật xem khung pháp lý hiện nay có thật sự giúp cho mọi người lao động – và đặc biệt là những người lao động nữ tương lai – tối ưu hóa tiềm năng của họ, để họ có thể phát triển trong công việc, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, đồng thời được hưởng tiền lương họ xứng đáng được hưởng đổi lại công sức lao động.
Điều đó có ý nghĩa hơn nhiều so với việc ngắm những bó hoa được tặng một hai ngày trong năm.
Tác giả: Andrea Prince
Nguồn tin: zing.vn