Thế giới

Hố đen đại dương của Nga khiến đối phương lo sợ

Tàu ngầm tấn công phi hạt nhân lớp Kilo được hải quân Mỹ đặt cho biệt danh Hố đen đại dương bởi khả năng hoạt động cực êm khiến đối phương rất khó phát hiện.

Nòng cốt trong hạm đội tàu ngầm thông thường của Nga là tàu ngầm Đề án 877, NATO định danh Kilo. Lớp tàu ngầm này có khả năng hoạt động rất êm. Đặc biệt, phiên bản cải tiến thuộc Đề án 636, Kilo cải tiến được hải quân Mỹ đặt cho lớp tàu ngầm này biệt danh “hố đen đại dương” bởi rất khó phát hiện.

Hạm đội tàu ngầm của hải quân Mỹ đều là những tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, Nga duy trì hạm đội tàu ngầm kết hợp giữa tàu ngầm diesel và hạt nhân. Chiến lược của Nga là sử dụng các tàu ngầm hạt nhân để tuần tra các khu vực xa xôi, các tàu ngầm diesel dùng cho các cuộc xung đột ở châu Âu, Trung Đông và các khu vực gần Nga.

Bóng ma vô hình dưới biển

Ban đầu, tàu ngầm Kilo được chế tạo để phục vụ trong hải quân Liên Xô và các nước Hiệp ước Warsaw, thay thế cho tàu ngầm lớp Whiskey và Foxtrot. Tàu có chiều dài 72,5 m, rộng 9,7 m, lượng choán nước khi lặn 3.076 tấn.

Kilo được vận hành bởi thủy thủ đoàn 53 người, trong đó có 12 sĩ quan. Tàu có thể hoạt động liên tục 45 ngày. Kilo được trang bị 2 máy phát điện diesel và một động cơ điện. Hệ thống động lực này cung cấp tốc độ 10 hải lý/giờ khi nổi, 25 hải lý/giờ khi lặn.

Tàu ngầm lớp Kilo của hải quân Nga. Ảnh: Reuters


Kilo không phải là tàu ngầm quá nhanh nhưng nó có phạm vi hoạt động tới 7.500 hải lý, nghĩa là tàu ngầm Kilo từ trụ sở hạm đội Biển Bắc có thể tuần tra 1.000 hải lý trước khi đến Cuba. Kilo cũng không phải là tàu ngầm lặn quá sâu. Theo tạp chí Hạm đội Chiến đấu Thế giới, Đề án 877 chỉ lặn sâu tối đa 239 m, 300 m với Đề án 636.

Tuy nhiên, Kilo được thiết kế với 2 cánh ổn định có thể gập lại hoặc mở ra cho phép hoạt động ở sát đáy biển. Người ta trang bị cho tàu nhiều tính năng giúp nó hoạt động một cách im lặng. Thân tàu có thiết kế hình giọt nước làm giảm tối đa lực cản của nước.

Động cơ được lắp trên giá đỡ với các tấm đệm cao su giúp nó không chạm vào thân tàu, từ đó ngăn ngừa rung động phát ra khi vận hành. Bên ngoài thân tàu được phủ các tấm cao su có khả năng hấp thụ sóng âm thanh. Các tính năng này giúp Kilo trở nên “vô hình” trước hệ thống trinh sát thủy âm của đối phương.

Hệ thống tái tạo oxy trên tàu có thể cung cấp dưỡng khí cho thủy thủ đoàn trong thời gian 260 giờ, tương đương với gần 2 tuần hoạt động liên tục dưới nước.

Sát thủ thầm lặng

Cảm biến chính của Kilo là hệ thống định vị thủy âm (sonar) MGK-400 có khả năng hoạt động ở chế độ chủ động hoặc thụ động. Hệ thống sonar MG-519 để tránh va chạm và phát hiện thủy lôi. Radar MRK-50 dùng để phát hiện mục tiêu mặt nước khi nổi lên.

Tàu ngầm Kilo của Hải quân nhân dân Việt Nam. Ảnh: Japan Times


Kilo được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm. Các ống phóng này có thể phóng ngư lôi hạng nặng, hoặc tên lửa chống ngầm. Phiên bản Kilo cải tiến có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm Klub-S, tầm bắn 220 km, hoặc tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr, tầm bắn 1.500 km.

Cơ số ngư lôi, tên lửa mang theo khoảng 18 quả. Trong tháng 12/2015, tàu ngầm Rostov-on-Don, lớp Kilo cải tiến đã phóng tên lửa hành trình Kalibr vào mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Điều đó chứng minh khả năng tấn công tầm xa của tàu, cung cấp thêm cho Nga công cụ tấn công bí mật bên cạnh các tàu ngầm hạt nhân.

Kyle Mizokami, nhà phân tích quốc phòng tại San Francisco, Mỹ nhận xét, Kilo là một tàu ngầm thành công cả trên phương diện kỹ thuật và thương mại. Khoảng 53 tàu đã được đóng mới trong vòng 30 năm qua để trang bị cho hải quân Nga và xuất khẩu trong đó có Việt Nam.

Khả năng hoạt động cực êm, hỏa lực mạnh, tàu ngầm Kilo đã trở thành một huyền thoại trong mắt NATO. Nó là công cụ răn đe chiến thuật lợi hại bên cạnh những tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga.

Tác giả bài viết: Quốc Việt

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok