Thương hiệu H&M tại Việt Nam luôn thu hút khách. ẢNH: M.P |
Hàng hiệu bình dân H&M, Uniqlo, Zara hút khách
Trưa chủ nhật ngày 4.4, cửa hàng H&M tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) vẫn đông nghẹt khách hàng trong khi nhiều cửa hàng xung quanh khá thưa thớt. Từ 11 - 12 giờ, theo ước tính cũng có hơn trăm khách hàng đang lựa chọn quần áo, tìm kiếm sản phẩm hay chỉ đơn giản là quan sát ở hai tầng lầu của H&M. Quầy tính tiền lúc nào cũng có gần chục người xếp hàng đứng chờ. Có vẻ không khí mua sắm tại đây không hề giảm nhiệt giữa cơn bão yêu cầu đòi tẩy chay thương hiệu H&M đang diễn ra trên cộng đồng mạng trong những ngày qua.
Chị Hạnh - một khách hàng tại đây - cho hay một số thương hiệu thời trang ở phân khúc trung bình như H&M, Zara hay Uniqlo... liên tục thay đổi mẫu mã, giá cả vừa túi tiền nên được yêu thích. Tương tự ở cửa hàng Zara, từ gian hàng quần áo nữ đến hàng trẻ em, nam giới đâu đâu cũng đông khách. Rất nhiều khách hàng lựa chọn 4-5 sản phẩm khác nhau để thử cùng lúc. Hay ở đối diện, cửa hàng Uniqlo tại Trung tâm thương mại Parkson Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) cũng có khách hàng ra vô liên tục và số người đang bên trong cửa hàng cũng lên hàng trăm người trải rộng trên 3 tầng lầu. Tại đây, có hai chị em Loan đang xem nhiều sản phẩm khác nhau. Hai chị em là "tín đồ" quen thuộc của Uniqlo vì theo gu đơn giản mà chất lượng. Giá cả cũng không quá cao so với một số thương hiệu khác. Ngoài 3 thương hiệu trên, những hãng khác đã vào Việt Nam khá lâu như Mango, Gap, Topshop, Levis... dù không quá nhộn nhịp khách hàng nhưng cũng liên tục đón tiếp khách hàng vào tham quan mua sắm.
Quầy tính tiền của H&M Vincom luôn đông khách. M.P |
Điều này cho thấy Việt Nam đã trở thành thị trường màu mỡ cho sản phẩm thời trang ngoại. Đặc biệt những thương hiệu như H&M, Uniqlo dù mới đặt chân vào thị trường nhưng tốc độ mở cửa hàng mới rất nhanh, cho thấy người Việt đã luôn yêu thích và ủng hộ các sản phẩm này. Cụ thể, thương hiệu H&M chính thức mở cửa hàng đầu tiên ở Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP. HCM) đầu tháng 9.2017 và chỉ trong ngày đầu tiên đã công bố đón gần 12.000 lượt khách hàng tới tham quan, mua sắm. Ngay từ đầu năm nay, H&M cũng khai trương liên tiếp 2 cửa hàng tại Cần Thơ, Hạ Long và đã có tổng cộng 12 cửa hàng tại Việt Nam. Nếu như năm 2017, doanh số của H&M VN chỉ đạt 227 tỉ đồng thì đến hết năm 2019 tăng lên 1.116 tỉ đồng.
Còn theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, chỉ với hai cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, doanh thu của thương hiệu này năm 2018 đã vượt 1.700 tỉ đồng, cao hơn cả những chuỗi bán lẻ thời trang cao cấp như Tam Sơn Fashion hay Mai Sơn International Retail. Không ngoại lệ, thương hiệu Uniqlo đến từ Nhật Bản ngay đầu năm nay cũng mở thêm cửa hàng thứ 4 tại TP.HCM, đưa số cửa hàng của thương hiệu này ở Việt Nam lên 7 điểm chỉ sau hơn 1 năm chính thức đặt chân vào thị trường. Dù không công bố doanh số tại thị trường Việt Nam nhưng một nguồn tin không chính thức nhận xét tốc độ tăng trưởng của các cửa hàng tại Việt Nam vượt ngoài mong đợi của Uniqlo, thậm chí nằm trong top dẫn đầu về mức tăng trưởng trong hơn 1 năm qua của tập đoàn này. Điều đó khiến cho tốc độ mở cửa hàng mới cũng tăng nhanh hơn kế hoạch ban đầu...
Chanel, Gucci, LV... luôn đắt hàng
Không chỉ các hãng thời trang giá mềm đang thu hút nhiều người tiêu dùng Việt, những hãng thời trang xa xỉ cũng nhộn nhịp mua bán. Hơn 1 tháng qua, Dung - một bạn trẻ tại TP.HCM - cho biết đã dặn nhân viên cửa hàng Chanel mua chiếc túi WOC (dạng ví nhỏ có dây đeo dài) màu đen với kiểu khóa mới nhất nhưng vẫn chưa có. Sản phẩm này luôn "hot" trong hơn nửa năm qua với những tín đồ của Chanel. Trong khi chờ đợi chiếc túi nói trên, Dung cũng kịp mua một cái ví nhỏ (card holder) với giá hơn 13 triệu đồng. Còn đối với Thu - một nhân viên văn phòng mới đây cũng vào cửa hàng LV ngay góc Đồng Khởi - Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) tậu một chiếc khăn quàng cổ trị giá hơn 5 triệu đồng trong khi gần 1 năm trước cô cũng đã sắm chiếc túi LV Felicie giá gần 24 triệu đồng...
Hàng thời trang xa xỉ tại Việt Nam có doanh thu gần tỉ USD. ĐỘC LẬP |
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho hay hầu hết thương hiệu thời trang quốc tế đang kinh doanh khá tốt ở Việt Nam bởi tâm lý của người Việt vẫn yêu thích các thương hiệu nổi tiếng. Chẳng hạn, Zara, Uniqlo hay H&M thuộc phân khúc tầm trung, giá cả phù hợp cho nhiều người nên càng thu hút được khách hàng khi chính thức mở cửa hàng tại Việt Nam. Điều này gây áp lực rất lớn cho các thương hiệu trong nước.
Còn theo tính toán của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, dung lượng thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam đạt khoảng 974 triệu USD trong năm 2020, giảm 6% so với năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu đến từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng sự hồi phục được dự báo sẽ diễn ra nhanh chóng, tăng trở lại hơn 17% trong năm tiếp theo. Statista tin rằng tăng trưởng kép hằng năm của Việt Nam sẽ đạt hơn 9% trong vòng 5 năm tới. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu bán hàng xa xỉ là đồ da cao cấp, gần 30%. Kế đến là hàng thời trang, chiếm hơn 25%; đồng hồ và trang sức chiếm 21% và khoảng 24% còn lại là nước hoa, mỹ phẩm và kính mắt.
Tác giả: Mai Phương
Nguồn tin: Báo Thanh niên