Giáo dục

Hiệu trưởng sẽ bị kỷ luật nếu giáo viên dạy thêm không đúng quy định

Thời gian qua nhiều địa phương ban hành lệnh chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, đặc biệt, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong công tác quản lý.

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang vừa có quyết định quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Quy định áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm, nhà trường, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/1/2024.

Theo Quy định, nguyên tắc của việc tổ chức dạy thêm, học thêm và các trường hợp không được dạy thêm thực hiện theo quy định tại Điều 3 và Điều 4, Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Về trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT là cơ quan chủ trì triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Đối với các cơ sở giáo dục, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm quyền, lợi ích của người học; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và quản lý việc dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên do nhà trường quản lý theo quy định.

Theo Vietnamnet, quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang cũng thủ trưởng cơ sở giáo dục “chịu hình thức xử lý kỷ luật hoặc liên đới chịu trách nhiệm khi buông lỏng quản lý giáo viên và học sinh để xảy ra hoạt động dạy thêm, học thêm không đúng quy định”.

Đây không phải địa phương duy nhất có động thái "siết" hoạt động dạy thêm, học thêm. Đầu năm học 2023 - 2024, hàng loạt các tỉnh thành đã ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, cấm ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức

Ảnh minh họa.

Thông tin trên Lao Động, Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Sở này cũng đưa ra mức thu tối đa của từng hoạt động trải nghiệm, tiết dạy học tiếng Anh,....

Trong khi đó, tại công văn chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh vào trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.

Đáng chú ý, Sở này yêu cầu các trường, giáo viên tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Bên cạnh đó, Nam Định cũng quyết liệt yêu cầu các trường, giáo viên trên địa bàn không tổ chức dạy thêm, trái quy định. Trong đó, nêu rõ trường hợp không dạy thêm: Học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh. Đặc biệt, với lớp cuối cấp 9, 12, giáo viên dạy không quá 5 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 4 tiết học, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17h30 phút các ngày trong tuần.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 diễn ra ngày 6/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí về đề xuất đưa học thêm, dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì đa số giáo viên dạy thêm hiện nay nhỏ lẻ.

Thứ trưởng cho biết, đây là vấn đề không mới. Trước đó Luật đầu tư quy định tổ chức dạy thêm, học thêm là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17 ban hành và quy định về vấn đề này.

Nhưng sau này, dạy thêm, học thêm được đưa khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và vì thế Thông tư 17 phải bãi bỏ những điều khoản, quy định tương ứng. Trên thực tế, khi bãi bỏ đã có những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại các địa phương.

Theo Pháp Luật Việt Nam, đa số giáo viên dạy thêm hiện nay theo phương thức nhỏ lẻ. Giáo viên tham gia vào dạy thêm theo 3, 4 hình thức. Đó là thầy cô dạy nhỏ lẻ, dạy học sinh lớp khác, gia sư, dạy học do phụ huynh nhờ; thầy cô tham gia dạy thêm ở các trung tâm và tự thầy cô tổ chức trung tâm đó. Ngoài ra có hình thức mới là dạy trực tuyến, một số thầy cô tổ chức một mình, có thêm đồng nghiệp tham gia, quy mô lớn.

“Việc dạy thêm học thêm không thể cấm, bởi không có văn bản nào cấm. Nhưng nhiều vấn đề đặt ra dư luận, phụ huynh học sinh quan tâm như con mình học ở đâu, thế nào, học phí ra sao; địa phương quan tâm nội dung thế nào. Dạy thêm là hoạt động kinh doanh thì liên quan điều kiện và trách nhiệm”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để bộ, ngành, địa phương quản lý được, đảm bảo chất lượng, quyền lợi của người học cũng như đảm bảo quyền lợi thầy cô. Bộ GD&ĐT đã 2 lần có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nội dung này.

"Nếu đưa dịch vụ tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 17 hiện hành. Trong đó, sẽ quy định cụ thể những điều kiện tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; đưa dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ pháp lý, đồng thời ngăn ngừa những trường hợp dạy thêm, học thêm không đúng theo nguyện vọng, mong muốn của học sinh", Thứ trưởng thông tin.

Tác giả: Trúc Chi (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok