Giáo dục

“Hiệu trưởng… là gì nếu không hiểu được con mình?”

Chị Nguyễn Thị Nhiếp là hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú – ngôi trường được công nhận là trường chất lượng cao của Hà Nội luôn đi đầu thí điểm những mô hình giáo dục mới.

Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này đã từng điếng người khi nhận được bức “tâm thư” của cậu con trai đang tuổi dậy thì “nhắc nhở” chị về vai trò làm mẹ.

“Dành bao nhiêu thời gian cho con?” là câu hỏi mà chị ngại trả lời nhất. Bởi vì “Tôi cảm thấy có lỗi với gia đình, đặc biệt là với con cái. Do công việc chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Tôi ý thức được điều đó nhưng vẫn chưa điều chỉnh được nhiều, cho dù thời gian này tôi đã cố gắng hơn rất nhiều”.

20160729160945 nguyen thi nhiep1
Cô Nguyễn Thị Nhiếp

Đỗ chuyên thì học, không thì thôi

Là người đã trưởng thành từ mô hình “trường chuyên lớp chọn” cách đây hơn 25 năm, chị Nhiếp tự nhận rằng mình được như hôm nay, cách làm việc, cách tư duy… không thể không kể đến sự ảnh hưởng tốt đẹp của những ngôi trường chị đã học.

“Nhiều bạn tôi đều đã học một cách say mê với những ước mơ, khát khao, hoài bão thật đẹp bởi vi chúng tôi vẫn được chơi, được trải nghiệm thực tế trong hoàn cảnh sống thời kỳ trước.

Nhưng bây giờ, học sinh trường điểm, trường chuyên lớp chọn cũng có những điểm khác chúng tôi. Hình như không ít em chỉ biết học từ sách vở, ít biết về xung quanh. Đã có những em vô cảm, ích kỷ và tự mãn sai là mình được đang học trường chuyên lớp chọn, đôi khi lại là do bố mẹ xoay xở, tính toán cho con” – đây là góc nhìn của chị về hiện trạng trường chuyên lớp chọn bây giờ.

Với nhận định như vậy, chị Nhiếp cho biết trước đây, gia đình đã cho con gái lớn thi vào trường chuyên, nhưng với tinh thần đỗ thì học và không đỗ thì thôi. “Một phần tôi nhìn thấy sự thiếu hụt của nhiều học sinh trường chuyên lớp chọn hiện nay, một phần tôi biết lực học của con mình chỉ khá, lại không chịu theo những nơi “luyện”. Đến cháu trai thứ hai thì tôi không có ý định đó chút nào nữa”.

Cả hai con chị đều học THPT ở ngôi trường chị làm hiệu trưởng.

Với hai học trò mà người ngoài nhìn vào tưởng như “nhân vật đặc biệt”, thì ở trường chị Nhiếp vẫn“coi các con như mọi học trò khác”. Điều khác giữa con mình và học trò, đối với chị, “là khi con ở nhà vì mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau. Tôi đã từng so sánh con mình với học sinh, hay với… con người khác. Rất hiệu quả khi tôi so sánh để khích lệ những điểm mạnh, những ưu điểm của con và rất tồi tệ khi tôi so sánh, chê bai con tôi kém cỏi hơn bạn bè…”.

Có một điều mà chị Nhiếp áp dụng vào cả việc dạy con và học sinh. Đó là “Nói được và làm được, chịu trách nhiệm cao với tất cả những gì mình làm”.

Chồng chị là sĩ quan quân đội, haivợ chồng đều làm cán bộ quản lý, cả hai đều bận việc cơ quan nhưng đều có chung quan điểm phải dạy con tự lập và tự trọng. Chị cho biết “Nhà tôi không có người giúp việc. Từ nhỏ, hai con của tôi phải luôn làm việc cùng bố mẹ, khi nhỏ thì gấp quần áo, dọn nhà, nhặt rau… Khi lớn hơn thì lau nhà, phơi quần áo, rửa bát, nấu cơm. Đến bây giờ, mọi việc trong gia đình các cháu đều tự làm và làm tốt. Các cháu đỡ việc nhà cho tôi rất nhiều”.

“Cái khổ của đói, của thiếu thốn thì thời nay hầu hết giới trẻ sống ở thành phố ít phải trải qua. Trong công việc cũng như trong cuộc sống tôi luôn nghĩ và luôn tìm cách dạy học sinh, dạy con với tinh thần vượt khó và biết ứng phó, thích nghi. Vợ chồng tôi không chiều chuộng con, mà luôn dạy con làm các công việc. Các cháu được rèn để không lười nhác, để luôn thích nghi với môi trường mới”.

Hai bài học từ cô con gái lớn

Trong suốt quá trình nuôi con lớn khôn, có những câu chuyện mà chị Nhiếp nhớ mãi.

“Cả hai con tôi đều tâm sự “Hình ảnh của bố mẹ làm cho chúng con áp lực”. Nghe vậy, tôi vừa mừng vừa lo.

Cũng có khi lo lắng quá nên giục con học hành, nhưng rồi chúng tôi lại điều chỉnh ngay khi tự hỏi “Như vậy có tạo áp lực cho con không?”.

Thực tế, áp lực tạo ra động lực nhưng áp lực quá sẽ làm mất tự chủ và giảm hiệu quả học tập và rèn luyện”.

Để có được những kinh nghiệm này, có một câu chuyện mà chị Nhiếp không thể quên.

“Cha mẹ thường kỳ vọng nhiều ở con cái, nhất là con đầu lòng. Khi con gái lớn học cấp 1, tôi thường yêu cầu sau mỗi ngày đi học về con phải báo cáo điểm số và không ít lần nổi giận mắng quát con vì điểm chưa cao.

Con gái tôi sợ đến mức có lần nhất định không chịu về chỗ ngồi, cứ đứng trên bục giảng khóc đòi cô giáo cho điểm cao để về không bị mẹ mắng. Tôi biết chuyện và ân hận đến tận bây giờ, lấy đó làm bài học để chia sẻ với cha mẹ học sinh”.

Mỗi khi nhắc lại câu chuyện này, chị Nhiếp lại cảm thấy “thêm một lần đau nhói trong tim”, còn “con gái tôi thì cứ buồn cười vì hành động đứng khóc, đòi cô giáo cho điểm cao”.

“Đây là bài học về hậu quả tạo áp lực quá cho con” – chị Nhiếp kết luận, và “Đến con trai thứ hai đi học, tôi đã rút kinh nghiệm điều đó”.

Một bài học khác về sự nhất quán lời nói khi dạy con và tôn trọng quyết định chọn nghề chọn trường của con cũng được chị rút ra từ cô con gái đầu.

Khi con gái lớn học cấp THPT, cháu ước mơ thi đỗ Học viện Ngoại giao. Vợ chồng chị cứ định hướng cho con thi ngành sư phạm để theo nghề của mẹ, sau này ra trường còn có thể có đầu ra.

“Cháu nói với tôi "Khi tư vấn chọn nghề, chọn trường cho phụ huynh và học sinh, mẹ nói "chọn nghề nào, trường gì các bác nên để các con quyết định...", vậy tại sao với con mẹ lại không để cho con quyết định?”.

Chồng tôi thì phân tích nghề sư phạm nhàn nhã hơn, có thời gian chăm sóc gia đình. Nghe vậy cháu lại hỏi "Mẹ là giáo viên đấy. Bố nhìn mẹ có nhàn nhã hơn, có thời gian chăm sóc gia đình hơn không?".

Vợ chông tôi thấy con phân tích, nêu ví dụ cụ thể rất thuyêt phục nên hiểu rằng phải cùng xây đắp ước mơ cho con. Năm đó cháu đã quyết tâm thi đỗ Học viện Ngoại giao khối D1 và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khối A1. Cháu chọn học Ngoại giao theo đúng ước mơ và tự tin nói với bố mẹ rằng "Con thi sư phạm để bố mẹ hài lòng thôi, đỗ con cũng không học đâu"”.

Đến giờ, cô con gái đã bước sang năm thứ 3. “Điều tôi thấm thía là vì cháu quyết chọn ngành chọn trường nên có khó khăn gì cháu đều cố gắng vượt qua. Đặc biệt là cháu hay kể với tôi về những điều hay, những điều đặc biệt khi học ngoại giao mà cháu rất tự hào”.

20160729160945 phan huy chu
Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú xếp hình Tổ quốc

Bức thư nhớ đời từ cậu con trai

Cùng với cô chị, cậu con trai thứ hai cũng là người đem lại cho cô hiệu trưởng này một bài học về sự kiềm chế, lắng nghe trong dạy học sinh, dạy con.

Chị Nhiếp kể rằng khi cậu con trai bước vào tuổi dậy thì, lên lớp 9 thì mê game. “Cũng như nhiều học sinh cháu đã từng trốn học, nói dối...để đi chơi game. Vợ chồng tôi tìm cách ngăn chặn, càng cấm cháu càng mê, bất chấp sự răn đe, dạy dỗ của bố mẹ”.

Buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo nêu tên con trai nằm trong tốp học sinh học yếu của lớp. Mặc dù biết lực học của con nhưng chị Nhiếp vẫn rất buồn.

“Về nhà tôi mắng cháu và nói "Mẹ là hiệu trưởng mà phải ở lại họp vì con trong tốp học sinh học yếu của lớp. Con biết mẹ rất xấu hổ không?". Cháu cãi lại rất gay gắt, cháu không chấp nhận những nhận xét đó.

Hôm sau cháu viết cho tôi một lá thư, trong đó có dòng "Hiệu trưởng đ. là cái gì nếu không hiểu được con mình". Tôi giận con lắm nhưng vẫn kiềm chế, tìm cách "hiểu con mình", để đúng là hiệu trưởng trong mắt con tôi”.

Cô Nhiếp vui mừng vì “Đến nay, cháu có thay đổi rõ rệt mặc dù tôi vẫn còn phải lo lắng nhiều một số cá tính của cháu. Và sự kiềm chế mà tôi học được từ lần này không chỉ được tôi tiếp tục áp dụng với con trai, mà còn với cả những học sinh yêu quý của mình”.

Chị Nhiếp cho biết vợ chồng chị có điều kỳ vọng lớn là con cái trở thành một người tử tế, sống có ích và biết sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội.

Bên cạnh đó, có sự mong muốn các con sẽ làm được điều mà bố mẹ chưa làm được, đó là “Thực hiện được việc hội nhập bằng tri thức và năng lực chắc chắn và mạnh mẽ hơn thế hệ của chúng tôi”.

“Tôi đã từng thất vọng vì con cái không phải vì kết quả học tập mà vì một vài tính xấu tôi rèn dạy mãi mà con vẫn chưa sửa được.Ví dụ tật đổ lỗi hoặc diễn đạt khó hiểu

Còn con trai tôi thì đã từng cầm cuốn “Con cái chúng ta đều giỏi” và nói với tôi rằng “Mẹ phải học cách dạy con của các bà mẹ Tây ấy”. Nghe con nói vậy, tôi giật mình xem lại cách dạy con và tìm cách hiểu con hơn”.

“Mình phải sống, làm việc thế nào để có thể từ đó dạy con. Đầu năm học, bài học đầu tiên tôi muốn các thầy cô giáo trường mình cũng dạy cho học trò là sống có trách nhiệm. Bài học cuối cùng trước khi các con ra trường là bài học Tri ân.

Biết ơn cha mẹ, thầy cô và cả bạn bè chính là để sống có trách nhiệm với yêu thương, với cuộc đời”.

Tác giả bài viết: Chi Mai

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok