Hiệu trưởng lập hai bảng lương với số tiền chênh lệch lớn
Ngày 15/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Vinh - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk xác nhận Phòng đã nhận được phản ánh của nhiều giáo viên công tác tại trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) về việc Hiệu trưởng nhà trường đã “ăn chặn” tiền lương của giáo viên. Phòng đã cử lãnh đạo và chuyên viên xuống làm việc cùng nhà trường, qua đó xác định có việc trường lập 2 bảng lương của giáo viên khác nhau.
“Việc lập 2 bảng lương này là sai còn cụ thể chuyện này như thế nào vẫn chưa kết luận được, Phòng đã có báo cáo cáo gửi cho UBND huyện, phía huyện cũng đã chỉ đạo Thanh tra vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc này”, ông Vinh cho hay.
Trường THCS Ngô Mây nơi các giáo viên tố Hiệu trưởng "ăn chặn" tiền lương
Bức xúc vì bị Hiệu trưởng ăn chặn lương, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Diệu (giáo viên môn Địa lý, trường THCS Ngô Mây) cho biết nhiều giáo viên hợp đồng của trường đã nghi ngờ có sự gian dối sau khi nhà trường đã chuyển từ việc trả lương qua thẻ ATM qua trả tận tay.
Cũng theo cô Diệu, trong một lần tình cờ giáo viên phát hiện hai bảng lương khác nhau, đối chiếu với bảng lương từ kho bạc chuyển về có sự chênh lệch rất lớn nên các giáo viên đã chụp lại hình ảnh để làm bằng chứng phản ánh.
“Năm 2016 lương tôi trên 4 triệu đồng nhưng thực tế chỉ được nhận 2 triệu đồng. Điều mà các giáo viên đều bức xúc đó là thầy Hiệu trưởng đã cắt giảm tiền lương của giáo viên mà không có lý do hợp lý, thích là thầy cắt, ưng cho thì cho mà không tuân theo bất kỳ một văn bản nào cả”, cô Diệu bày tỏ.
Cô Diệu cho biết thêm, nguyện vọng lớn nhất của cô hiện tại là vẫn được đi dạy, có việc làm ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình.
“Tôi mong các cấp ngành vào cuộc xem số tiền của chúng tôi đã bị mất là bao nhiêu và được nhận lại số tiền này. Bởi số tiền được đứng tên của chúng tôi thì đó là của chúng tôi, không thể cho người khác trong khi hoàn cảnh chúng tôi đều rất khó khăn”, cô Diệu chia sẻ.
Bảng lương thể hiện sự chênh lệch lương của giáo viên hợp đồng tại trường THCS Ngô Mây
Cô Lương Thu Hằng (giáo viên Hóa, trường THCS Ngô Mây) cho biết trong trong 5 tháng cuối năm 2017, cô chỉ được nhận 2.052.780 đồng (tức mỗi tháng khoảng 500 ngàn đồng), trong đó bảng lương của kho bạc cho thấy số lương thực lĩnh của cô là 9.676.975 đồng.
Theo bảng lương 5 tháng của học kỳ 1 năm học 2016 - 2017 của 7 giáo viên trường THCS Ngô Mây, số tiền các cô nhận từ nhà trường là 17.001.524 đồng, trong đi đó bảng lương từ kho bạc là 69.950.705 đồng, chênh lệch gần 53 triệu đồng của các giáo viên vẫn chưa biết đã được sử dụng mục đích gì?
Liên quan vụ việc ông, Cao Văn Tư - Giám đốc Kho bạc huyện Krông Pắk cho rằng, Kho bạc đã chuyển đúng số tiền theo bảng lương được trường gửi lên đúng với ngân sách được UBND huyện phê duyệt. Cụ thể, hàng tháng đơn vị lập danh sách chi lương, kho bạc rà soát lại với danh sách được huyện duyệt và chi đúng theo số liệu duyệt.
Hiệu trưởng tiếp tục bị tố nhận hàng trăm triệu tiền chạy việc
Ngoài việc bị nhiều giáo viên tố “ăn chặn” tiền lương, ông Huỳnh Bê - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây còn dính dáng đến vụ nhận hàng trăm triệu đồng tiền chạy việc làm cho giáo viên.
Thượng tá Nguyễn Văn Dân - Phó Trưởng Công an huyện Krông Pắk cho biết, cơ quan CSĐT công an huyện đã triệu tập ông Huỳnh Bê để làm rõ thông tin tố cáo.
Theo Thượng tá Dân, vào cuối năm 2017, cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pắk nhận được đơn tố cáo của chị C.T.L. (ngụ huyện Krông Pắk) tố cáo ông Huỳnh Bê về hành vi nhận tiền để xin việc. Theo tài liệu mà bà L. cung cấp cho cơ quan điều tra, vào tháng 9/2016, ông Huỳnh Bê có viết một tờ “giấy nhận tiền để xin việc” cho gái bà vào làm giáo viên tại trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Ông Bê đã nhận số tiền 300 triệu đồng, trong đó thỏa thuận rằng công việc sau này không thành, ông Bê sẽ chịu trách nhiệm trả lại cho bà L. số tiền này.
“Sau khi được mời lên làm việc, ông Huỳnh Bê đã thừa nhận “giấy nhận tiền để xin việc” mà bà L. cung cấp là của ông ấy. Ông Bê cũng nói đã trả được một ít và hứa sẽ trả số tiền còn lại. Vấn đề này chúng tôi đang tiếp tục làm rõ.”, Thượng tá Dân nói.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ huyện Ea Kar) đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng về việc ông Huỳnh Bê nhận chạy việc cho con gái mình với số tiền 120 triệu đồng nhưng đã không thực hiện việc đã hứa nhưng cũng không chịu trả lại tiền.
Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã vào cuộc, xác minh thông làm rõ thông tin nhiều giáo viên phản ánh việc phải chi tiền để “chạy” đi dạy hợp đồng tại huyện Krông Pắk.
Tác giả: Thúy Diễm
Nguồn tin: Báo Dân trí