Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trong những năm qua, để đánh giá xếp loại kết quả học tập học sinh Tiểu học, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều quy chế, văn bản.
Từ năm 2004 đến nay có:
Quyết định số 30/2005/QĐ-BGD&ĐT, ngày 30/9/2005, về việc Ban hành Quy định Đánh giá và Xếp loại học sinh Tiểu học.
Sau đó, Quyết định này phát triển, bổ sung thành Thông tư số 32/2009/TT-BGD&ĐT, ngày 27/10/2009, về việc Ban hành Quy định Đánh giá học sinh Tiểu học;
Thông tư số 30/2014/TT-BGD&ĐT, ngày 28/8/2014, về việc Ban hành Quy định Đánh giá học sinh Tiểu học.
Tuy nhiên, từ khi ra đời cho đến nay, Thông tư 30/2014/BGD&ĐT đã gây ra không ít tranh cãi thể hiện sự quan tâm của xã hội đến vấn đề giáo dục.
Qua hơn hai năm thực hiện Thông tư 30, hiện nay đây vẫn đang là đề tài nóng đối với giáo dục bậc Tiểu học, mà theo tôi Bộ GD&ĐT cần có sự nhìn nhận một cách khách quan những ưu điểm và hạn chế, để từ đó có sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp hơn.
Bản thân tôi là một nhà quản lí chuyên môn tại một trường Tiểu học, thường ngày trực tiếp chỉ đạo và tham gia giảng dạy trên lớp, tôi muốn chia sẻ đôi điều vấn đề này như sau:
Tính ưu việt của Thông tư 30
Thông tư 30 ra đời đã góp phần làm giảm áp lực cho học sinh, tạo điều kiện trẻ em được vừa học, vừa chơi; không so sánh học sinh này với học sinh khác; giúp tất cả các em đều mong muốn đến trường; có thêm nhiều lời nhận xét trên trang vở học trò thể hiện rõ hơn cái “tâm” của thầy; yêu cầu nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh cuối năm.
Những hạn chế, nguyên nhân:
Thứ nhất, Thông tư 30 không có tính kế thừa từ mục tiêu, nội dung, phương pháp đánh giá và gần như thay đổi hoàn toàn so với trước đây.
Thứ hai, việc đổi mới đánh giá theo Thông tư 30 còn mang tính nóng vội.
Trước khi quyết định thực hiện, Bộ đã không tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh; dẫn đến đổi mới đánh giá không đồng bộ với các yếu tố dạy học (nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy), điều này người ta gọi là đi ngược lại quy trình.
Chẳng hạn như quy định nội dung đánh giá là sự hình thành và phát triển phẩm chất, sự hình thành và phát triển năng lực nhưng nội dung sách giáo khoa chưa biên soạn, chuẩn kiến thức, kĩ năng chưa quy định thì phải làm sao?
Thông tư 30 khiến giáo viên bị "đè nặng" bởi các loại sổ sách, lời phê! (Ảnh nguồn: Infonet.vn).
Thứ ba, các quy định trong Thông tư không cụ thể, mang tính chung chung nên rất khó thực hiện.
Chẳng hạn:
Điều 5, Quy định nội dung đánh giá gồm ba mặt: "đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục; đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh; đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh”.
Trong ba nội dung đánh giá này, mặt thứ nhất là cần thiết, tuy nhiên hai mặt sau lại khá trừu tượng, nhiều tiêu chí khiến giáo viên dễ lẫn lộn để viết nhận xét trong sổ theo dõi chất lượng.
Hơn nữa, việc lựa chọn ngôn từ để đánh giá chính xác, không trùng lặp với từng học sinh là rất khó khăn, nhất là đối với học sinh có học lực yếu đòi hỏi phải tránh tạo cảm giác mặc cảm, tự ti.
Điều 16 quy định về vấn đề khen thưởng: “Cuối học kì I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định”.
Quy định về khen thưởng này khiến việc đánh giá học sinh được toàn diện, tuy nhiên các tiêu chuẩn đưa ra vẫn tương đối trừu tượng, gây khó khăn cho người thực hiện.
So sánh với Thông tư 32/2009/TT-BGD&ĐT quy định rất cụ thể hình thức khen thưởng học sinh (học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, khen từng môn học) nên đã tạo được sự khích lệ học sinh một cách thực sự, còn ở Thông tư 30 thì mỗi nơi ghi vào giấy khen một kiểu khiến phụ huynh, học sinh không hiểu gì.
Thứ tư, mỗi năm học chỉ chấm điểm hai lần nên giáo viên khó biết được chất lượng học thực sự của học sinh, nhà trường khó theo dõi, quản lí, từ đó khó đưa ra được các giải pháp chỉ đạo kịp thời để nâng cao chất lượng dạy học.
Thứ năm, Thông tư 30 ra đời làm cho cường độ lao động của giáo viên Tiểu học cao hơn vì phải giành nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét, làm hồ sơ nhưng hiệu quả mang lại không được như mong đợi.
Thứ sáu, trong quy định cần phối hợp tham gia đánh giá giữa nhà trường và gia đình rất khó thực hiện, nhất là với những vùng đặc biệt khó khăn, trình dộ dân trí còn hạn chế.
Đề xuất giải pháp khắc phục
Thứ nhất, về nội dung đánh giá, cần rút gọn các tiêu chí đánh giá để giáo viên dễ nhớ; chỉ cần đánh giá hai mặt về kết quả học tập các môn học và thực hiện các nhiệm vụ của học sinh Tiểu học.
Thứ hai là tăng số lần kiểm tra trong một năm học lên bốn lần.
Thay vì hai lần kiểm tra cho điểm, mỗi năm học nên tăng lên bốn lần như trước đây nhằm giúp giáo viên và nhà trường nắm được chất lượng học sinh theo từng giai đoạn học tập từ đó có sự điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp để nâng cao chất lượng học sinh.
Thứ ba về phần khen thưởng, vẫn nên dùng các thuật ngữ như trong Thông tư 32 trước đây là: học sinh giỏi, học sinh tiên tiến và khen các thành tích nổi trội về các môn học và HĐGD…
Cuối cùng, Bộ GD&ĐT cần tổng kết việc thực hiện Thông tư 30 trên phạm vi cả nước, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của giáo viên, học sinh và phụ huynh để có điều chỉnh kịp thời trong năm học 2016-2017 này.
Tác giả bài viết: Đặng Đình Vinh