Trong nước

Hiểu cái giá của hòa bình để sống trách nhiệm hơn!

Dù chủ trương "uống nước nhớ nguồn" luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, công tác Người có công có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Song, có những nỗi đau không thể khỏa lấp…

Thế hệ chúng tôi sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn phải chứng kiến nỗi đau chiến tranh - nỗi đau dai dẳng không dễ gì khỏa lấp diễn ra hàng ngày.

Tôi đã lặng người với cuộc đoàn tụ của người vợ 43 năm một mình nuôi con khi đón người chồng thân yêu trở về. Gần nửa thế kỷ đi xa, người lính ấy cuối cùng cũng về với vợ con, dù chỉ còn là một hài cốt bọc trong lá cờ Tổ quốc.

Đây không phải là câu chuyện của riêng một gia đình nào cả, mà đó là nỗi đau của rất nhiều gia đình trong suốt một chặng đường vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Cả nước có hơn 1,1 triệu liệt sĩ và gần 9 triệu người có công. Trong đó, riêng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có gần 850.000 người con đất Việt đã ngã xuống, hơn 105.000 liệt sĩ hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới.

Dù ngành Lao động - Thương binh & Xã hội cùng các cơ quan liên quan rất nỗ lực, song, vẫn còn hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy và hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính.

Cái giá của hòa bình, của nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ - xây nền móng để có một Việt Nam hòa bình và phát triển hôm nay là máu xương của lớp lớp người lính, là nỗi đau của những người vợ, là những buồn vô tận của đứa con, là những trông ngóng, chờ đợi mỏi mòn của người mẹ. Cái giá ấy không có gì đong đếm được. Mà có lẽ, cũng không ai mang nỗi đau ra đong đếm bao giờ!

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc cuộc trường chinh vệ quốc của cả dân tộc vào khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên dinh Độc lập trưa 30/4/1975 - thời khắc đánh dấu khát vọng hòa bình, non sông nối liền một dải thành hiện thực.

Giờ đây, đất nước sau hàn gắn vết thương chiến tranh đã và đang vươn lên mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế bằng nền chính trị ổn định và đột phá về kinh tế.

Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, truyền thống "uống nước nhớ nguồn" luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Dù công tác Người có công thời gian vừa qua có những bước chuyển biến mạnh mẽ, các đối tượng chính sách đã nhận được sự đùm bọc, sẻ chia của toàn thể xã hội… Song, vẫn còn đó những nỗi đau không thể khỏa lấp, nơi mà chiến tranh chưa bao giờ kết thúc.

Hiểu về cái giá của hòa bình để nhắc chúng ta phải sống tốt hơn, sống trách nhiệm hơn với bản thân, với xã hội và hơn cả, là với Đất Nước - một dải vẹn tròn được đánh đổi bằng máu xương, bằng sự hi sinh của những người cầm súng và người thân của họ.

Công cuộc giữ vững nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ nhiều phía. Những người lính vẫn giữ chắc tay súng bảo vệ biên cương, hải đảo. Những người mẹ, người vợ vẫn kiên trung chờ đợi và tin tưởng.

Có những sự hi sinh dẫu biết trước nhưng không ai chọn con đường né tránh, đi ngược với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Bởi, đó là sự lựa chọn của những người thấu hiểu cái giá của hòa bình và tin tưởng vào sự trường tồn của dân tộc mai sau.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok