Giáo dục

Hiến kế xóa bỏ bất cập trong xét tuyển đại học

Đánh giá đợt tuyển sinh vừa qua còn nhiều bất cập như tỷ lệ ảo nhiều, thí sinh điểm cao vẫn trượt, trong khi nhiều trường không tuyển được người ưng ý, thầy giáo Công Thuynh (Học viện Ngân hàng) góp ý thay đổi phương thức xét tuyển.

Là người có thâm niên trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đại học, trước hết tôi đánh giá cao chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo nói chung và cải cách công tác thi, xét tuyển sinh năm 2016.

Nói về đợt nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng đại học 2016 vừa qua, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều cải cách và tiến bộ so với việc rối loạn tuyển sinh năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề có thể nói là nan giải đã tồn tại lâu nay trong tuyển sinh, đó là:

- Hồ sơ ảo nhiều, gây rối loạn tuyển sinh, tuyển rồi báo rồi nhưng sau vẫn phải tuyển lại, hạ điểm vì nhiều thí điểm cao nộp 2 trường, dù đã có những sáng kiến tổ chức thành nhóm trường như nhóm GX.

- Điểm chuẩn một số trường cùng ngành đào tạo chênh lệch nhiều, ví dụ ngành y. Đầu vào cho cùng một chuyên ngành không nên quá chênh lệch giữa các trường. Vẫn là bác sĩ, nhưng tại sao phần lớn bác sĩ Đại học Y Hà Nội được đánh giá cao hơn rất nhiều trường khác, vấn đề đầu tiên đó là đầu vào của họ cao hơn nhiều.

- Học sinh, phụ huynh cùng gia đình thí sinh có điểm ở mức mấp mé điểm chuẩn dự kiến của các trường vẫn mất nhiều thời gian chạy đi chạy lại, nhấp nhổm, hỏi han thăm dò, suy tính gây lãng phí công sức cũng như tài nguyên xã hội.

- Nhiều học sinh được điểm cao 24-26, học lực tốt nhưng vẫn trượt đại học. Họ là những học sinh tốt, không đáng bị như vậy.

- Trong khi đó nhiều trường tuyển sinh đầu vào không được ưng ý, chất lượng sinh viên giảm sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo và đầu ra. Các trường luôn mong muốn tuyển được những học sinh tốt, việc đó có nghĩa là luôn muốn điểm chuẩn cao lên, tuy nhiên để tuyển hết chỉ tiêu căn cứ trên hồ sơ nộp vào thì không thể làm gì khác hơn.

Ví dụ Học viện Ngân hàng điểm chuẩn 21. Có rất nhiều thí sinh nộp Đại học Ngoại thương có điểm 22-23 bị trượt đại học, bản thân Học viện Ngân hàng rất muốn tuyển những học sinh đó, nhưng cơ chế tuyển sinh không cho phép.

Nguyên nhân chính là sự thiếu quy hoạch phân luồng, thông tin về điểm chuẩn được cập nhật là rất thiếu chính xác, không đúng thực tế sẽ diễn ra nên không hề có tính định hướng như Bộ Giáo dục và Đào tạo dự tính và mong muốn.

2 1470049720 660x0 3281 1471793392
Nhiều phụ huynh cùng con em đến tận trường để nộp hồ sơ, chứ không đăng ký xét tuyển online. Ảnh: Ngọc Thành.

Để khắc phục những hạn chế, giảm bớt vất vả cho các thí sinh, phụ huynh và các trường, cần phải có sự quy hoạch phân luồng hồ sơ hợp lý, dự báo và cập nhật thông tin điểm chuẩn một cách thực tế, chính xác. Chúng tôi góp ý phương án tuyển sinh để giải quyết các vấn đề trên như sau:

Trước hết, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện được phần mềm xét tuyển chung của Bộ, thí sinh đăng ký nguyện vọng trên mạng Internet (không phải đến các trường để nộp hồ sơ xét tuyển) thì là rất tốt, sẽ giúp giảm rất nhiều thời gian và chi phí. Áp dụng nguyên tắc như năm 2015 là thí sinh chỉ được đăng ký một lần vào một trường với 2 (hoặc 3 hoặc 4) nguyện vọng trong cùng một trường (khi đã đăng ký xét tuyển vào một trường nào đó thành công thì hiển nhiên không thể đăng ký tại (n-1) trường còn lại trong cùng một đợt xét tuyển).

Thứ hai, phải quán triệt thực hiện phân luồng nộp hồ sơ với nguyên tắc thí sinh có điểm xét tuyển cao có nhiều cơ hội trong việc chọn trường, chọn ngành hơn những thí sinh có điểm xét tuyển thấp. Nguyên tắc này là tiêu chí thực hiện cho cả quy trình nộp hồ sơ tại trường hoặc online. Để thực hiện nguyên tắc này, cần quy định thời gian nộp đăng ký nguyện vọng cho những thí sinh có phổ điểm xét tuyển khác nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp. (Nếu thí sinh không đăng ký trong thời gian quy định sẽ coi như trượt đợt 1, và có thể tham gia xét tuyển các đợt sau). Có thể áp dụng như sau:

- Một ngày đầu dành cho những thí sinh có điểm xét tuyển từ 29 điểm trở lên;

- Một ngày tiếp theo dành cho những thí sinh có điểm xét tuyển từ 28 đến dưới 29;

- Một ngày tiếp theo dành cho những thí sinh có điểm xét tuyển từ 27 đến dưới 28;

- ….. (Phần trung vị, điểm thấp và số thí sinh trong phổ điểm này tăng cao có thể chia khoảng cách 0,5 điểm cho một ngày);

- 2 ngày cuối cùng của đợt tuyển sinh sẽ dành cho những thí sinh có điểm xét tuyển từ điểm sàn đến dưới điểm sàn +1 và các trường hợp còn lại của ngày hôm trước;

Kết quả tuyển sinh sẽ được cập nhật và công bố ngay trong ngày, đó sẽ là kết quả chính thức, thay vì kết quả tạm thời (ví dụ vào thời điểm 18h hàng ngày).

Thí sinh nào đỗ hay trượt cũng sẽ được công bố trong ngày nộp hồ sơ nguyện vọng và được cho phép nộp hồ sơ lần tiếp theo vào ngày hôm sau (khi có căn cứ về việc không trúng tuyển - giấy biên nhận hồ sơ nộp ngày hôm trước với kết quả không trúng tuyển sẽ tương đương với phiếu báo điểm của lần nộp hồ sơ đầu tiên). Việc rút hồ sơ có thể thực hiện sau.

Phần mềm của Bộ liên tục cập nhật online số chỉ tiêu còn lại của các trường, theo từng ngành, từng tổ hợp xét tuyển và kết quả chính thức được công bố vào 18h cùng ngày. Những trường, ngành nào trong ngày hôm đó đã đủ chỉ tiêu, đương nhiên các thí sinh khác của ngày hôm sau không thể đăng ký được nữa.

Thứ ba, hết thời gian xét tuyển, Bộ Giáo dục chuyển cơ sở dữ liệu và danh sách trúng tuyển vào các trường đợt 1. Các trường sẽ tổ chức thu/trả hồ sơ xét tuyển của thí sinh trúng tuyển/không trúng tuyển theo danh sách và làm thủ tục nhập học.

Thứ tư, những trường đợt 1 xét tuyển chưa đủ chỉ tiêu sẽ tiếp tục đăng ký xét tuyển đợt 2 (tương tự như trên nhưng thời gian sẽ ngắn hơn với bước nhảy điểm số sẽ rộng hơn).

Việc áp dụng theo phương pháp nộp hồ sơ xét tuyển như trên sẽ tránh được các vấn đề đang gặp phải như sau:

Đối với thí sinh:

- Không mất cả khoảng thời gian dài để quan tâm, lo lắng, cập nhật thông tin về tuyển sinh, chỉ tập trung vào theo dõi một số ngày trước và một ngày nộp hồ sơ (có thể là 2 với thí sinh bị trượt trong ngày đầu tiên).

- Các thí sinh luôn nắm rõ tình hình và tính toán được tỷ lệ chắc chắn đỗ là rất cao khi nộp hồ sơ. Cũng như biết được cơ hội của mình với những mục tiêu cụ thể là như thế nào ngay từ khi chưa đến lượt mình nộp hồ sơ.

- Tránh được những hỗn loạn, ùn tắc và di chuyển không cần thiết, tốn kém như việc nộp hồ sơ cho đợt tuyển sinh 2015, các thí sinh điểm thấp sẽ ung dung ngồi nhà đợi tình tình và đưa ra tính toán thực tế nhất cho mình.

Đối với các trường:

- Không cần huy động lực lượng lớn cán bộ thu nhận hồ sơ tuyển sinh, vì sẽ không xảy ra tình trạng ùn tắc số lượng lớn. Thời gian tuyển sinh có thể rút ngắn đi rất nhiều (giảm lãng phí khủng khiếp về nhân lực và lao động). Ví dụ dễ dàng nhận thấy Đại học Ngoại thương hay trường Đại học Y Hà Nội sẽ hoàn tất tuyển sinh sau khoảng 3 ngày đầu.

- Không mất thời gian xử lý quá nhiều hồ sơ; chắc chắn rằng các hồ sơ được xử lý là gần như sẽ trúng tuyển. Giải phóng công sức lao động vô ích.

- Công tác tuyển sinh sẽ trở nên vô cùng đơn giản, nhẹ nhàng không tốn kém.

Đối với Bộ Giáo dục:

- Cổng thông tin của Bộ cũng như hệ thống xử lý tuyển sinh sẽ được giảm tải rất nhiều, thông tin cập nhật công bố là gần như chính xác nhất với thực tế. Điều này giảm rủi ro thông tin và công sức tính toán của xã hội cho những trường hợp không thực tế như những ngày đầu của đợt tuyển sinh vừa qua (kết quả thực tế đến phút cuối cùng mọi người mới được thấy).

- Việc thanh tra kiểm soát trở nên dễ dàng hơn vì có sự phân luồng, giảm lưu lượng. Các hồ sơ được định hướng rất rõ ràng vào đúng vị trí của nó.

- Một kỳ tuyển sinh tốt đẹp, thuận lợi cho các đối tượng liên quan sẽ giảm giấy mực của báo chí, công sức của truyền thông, tiết kiệm rất nhiều nguồn lực và tài nguyên của xã hội.

Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và thấy rằng phương pháp này sẽ khắc phục một cách triệt để những hạn chế trong đợt tuyển sinh 2016, 2015 vừa qua. Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, cải tiến và áp dụng phương án trên để đưa công tác xét tuyển hàng năm đi vào thực chất.

Cũng rất mong nhận được đóng góp của các độc giả, để chúng ta sẽ có một phương án xét tuyển sinh tối ưu góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tác giả bài viết: Công Thynh (Học viện Ngân hàng)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok