Giới trẻ VN từng bị cuốn vào trào lưu thách đố nhau dội nước đá lên đầu |
Mất mạng vì nhận lời thách đố
Khuya 23.12.2017, sau khi xem xong lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt, K’Suyên (20 tuổi, sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Lâm Đồng) ra khu vực hồ Xuân Hương ngồi chơi, uống rượu. Trong lúc cao hứng, chàng trai này đã nhận lời thách đố của một người bạn trong nhóm để… bơi khoảng 300 m ở hồ. Bơi được một lúc thì K’Suyên bị đuối nước và chìm xuống đáy hồ. Đến chiều hôm sau, thi thể của chàng trai xấu số này mới được cơ quan chức năng tìm thấy.
Gặp tai nạn nguy hiểm đến tính mạng vì thực hiện những lời thách đố như trường hợp của K’Suyên không phải hiếm.
Mới đây, vào giữa tháng 12.2017, một nhóm bạn trẻ rủ nhau đến khu vực đường nội bộ thuộc khu công nghiệp An Phú (TP.Tuy Hòa, Phú Yên) để thách nhau leo lên… trụ điện cao thế. Hai nam sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, vì cùng yêu một người, nên quyết định thi nhau xem ai leo được cao hơn thì người đó có quyền đến với bạn gái kia.
Hậu quả, một nam sinh khi leo lên trụ điện 22 kV bằng sắt được khoảng 4 m thì bị phóng điện, rơi xuống đất trong tình trạng bỏng nặng toàn thân, nhất là ở phần tay, ngực, đầu, lưng với tỷ lệ thương tích lên tới 42%.
Theo Trần Hoàng Phương, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, câu chuyện thách đố lẫn nhau diễn ra thường xuyên. “Mình từng gặp rồi, bị bạn cùng phòng thách “dám tắm khuya bằng nước lạnh không” khi trời đang rất lạnh. Nếu đồng ý, mình sẽ được bạn khao ăn nguyên ngày”, Phương nói rồi kể tiếp: “Lúc đó mình cũng ra vẻ “ta đây làm được”, nhận lời. Nhưng khi đổ nước lên người thì… cóng, có cảm giác như đứng tim nên mình quyết định chấp nhận thua cuộc. Sau đó mới thấy mình… ngu. Bởi tắm khuya, nhất là khi thời tiết lạnh như vậy dễ bị đột quỵ, hại cho sức khỏe”.
Nhiều ẩn họa
Tháng 10.2016, Lê Phương Th. (22 tuổi, ở Long An) trong lúc vui với bạn bè đã cao hứng nhận lời thách tự nói những lời phản cảm, dung tục và quay phim lại. Th. không ngờ rằng đoạn phim này sau khi bị phát tán trên mạng, Th. nhận “gạch, đá” từ cộng đồng mạng rất nhiều. “Đoạn phim ấy vẫn còn tồn tại trên mạng và được chia sẻ trên nhiều diễn đàn. Em thấy ám ảnh và mỗi lần vô tình thấy là muốn… độn thổ. Gia đình, thầy cô đã chỉ trích em rất nhiều về việc này”, Th. ngượng ngùng kể.
Còn rất nhiều chuyện tương tự, và chỉ vì nhận những lời thách đố của bạn bè như: buông tay chạy xe, mặc quần đùi đến trường, đi thăng bằng trên thành cầu, nhảy xuống sông từ độ cao hàng chục mét… mà nhiều người trẻ rơi vào tình cảnh khốn đốn. Thực tế trên mạng xã hội cũng liên tục xuất hiện những câu chuyện thách đố: dám đốt xe không, dám nhảy từ tầng cao xuống đất không…
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy |
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), những lời thách đố thường sẽ đụng chạm tới lòng tự trọng và nhu cầu thể hiện của mỗi người nên sẽ tạo ra một động lực rất lớn khiến người ta hành động mà bất chấp hậu quả. “Những nội dung thách thức thường là những điều khó, có sức ảnh hưởng lớn. Vì vậy nếu lời thách thức mang nội dung tiêu cực thì rất nguy hại cho người thực hiện cũng như những người liên quan”, ông Duy nói.
Phải biết cách từ chối
Theo ông Duy, thách đố có hai dạng, mang nghĩa tích cực và tiêu cực. Tích cực là những nội dung như: đố bạn trở thành sinh viên giỏi, đố bạn đoạt giải cao trong cuộc thi… Còn mang nghĩa tiêu cực là những lời thách đố vi phạm luật, thực hiện những hành vi có thể gặp nguy hiểm.
“Lời thách đố tích cực sẽ là động lực để ta vượt qua những giới hạn của bản thân. Vậy nên khi nhận được lời thách đố của bạn bè khoan vội từ chối, việc cần làm là cân nhắc sự thách đố đó là tiêu cực hay tích cực và có phù hợp với sự phát triển của bản thân không. Nếu có thì hãy nhận lời và tìm cách thực hiện. Nếu không thì can đảm từ chối. Sự dũng cảm khác với sự liều lĩnh hay nông nổi”, ông Duy khuyên.
Nhưng phải từ chối bằng cách nào? Chuyên gia tâm lý này hướng dẫn: “Có thể viện một số cớ về thời gian, sức khỏe, công việc, nhưng cũng có thể từ chối thẳng, chỉ rõ những hiểm họa sẽ xảy ra, và cho người thách thức thấy bản lĩnh bằng việc chỉ cho họ thấy thách đố đó nông nổi ở điểm nào. Và có thể tự đề xuất một ý tưởng thách thức bản thân hoặc thách thức ngược lại người đó theo hướng tích cực và lành mạnh hơn”.
Với những người có thói quen thách đố người khác làm chuyện dại dột, tiềm ẩn nhiều hiểm họa, rủi ro, ông Duy khuyên: “Việc thách đố người khác nếu làm thường xuyên sẽ khiến người khác cảm thấy mình không tin tưởng và tôn trọng năng lực, con người của họ. Nếu thường xuyên thách thức người khác thì có thể khiến hình ảnh bản thân méo mó và mất điểm trong mắt bạn bè”.
Tác giả: Thanh Nam
Nguồn tin: Báo Thanh Niên