Doanh nghiệp kinh doanh khách sạn này phải "chắp tay" cầu xin được cổ phần hoá.
Không cho cổ phần hoá vì… sợ mất đất
Trong đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Võ Hồng Viễn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An cho biết, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã dùng quyền lực không cho phép doanh nghiệp được cổ phần hoá, dù trước đó doanh nghiệp đã gửi phương án cổ phần hoá và Liên đoàn lao động Nghệ An cũng đã xin chủ trương từ Tổng liên đoàn.
Cụ thể, theo ông Viễn, vào tháng 5/2014 Liên đoàn lao động Nghệ An xin chủ trương Tổng liên đoàn kêu gọi đầu tư liên doanh để có công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Theo đó, ngày 25/6/2014 Tổng liên đoàn đã có công văn gửi Liên đoàn lao động Nghệ An đồng ý cho công ty cổ phần hoá.
Trong thời gian 3 tháng Liên đoàn lao động Nghệ An đã chỉ đạo công ty làm đầy đủ các thủ tục văn bản hướng dẫn theo chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp. Tiếp đến, ngày 28/4/2014 Liên đoàn lao động Nghệ An đã gửi công văn cho Tổng liên đoàn và Ban Tài chính xin phê duyệt giá trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngày 25/12/2015 Tổng liên đoàn gửi công văn cho Liên đoàn lao động Nghệ An chỉ đạo công ty tạm dừng cổ phần hoá để kiểm tra, khảo sát thực tế và không nói rõ thời gian bao lâu.
“Tạm dừng thực hiện cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại công đoàn Nghệ An, giao Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An chỉ đạo công ty chủ động sáng tạo trong kinh doanh, có giải pháp khai thác hiệu quả hệ thống khách sạn 7 tầng mới, tìm kiếm đối tác, tiết kiệm chi phí duy trì hoạt động”, công văn ngày 25/12 nêu rõ.
Bên cạnh đó chỉ đạo giao Ban Tài chính Tổng liên đoàn phối hợp với Liên đoàn lao động Nghệ An xây dựng kế hoạch kiểm tra, khảo sát thực tế công ty, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất phương án trình Tổng liên đoàn xem xét.
Ngày 23/3/2016 Đoàn kiểm tra khảo sát Tổng liên đoàn vào họp và chỉ đạo Liên đoàn Lao động Nghệ An lập 3 phương án: thứ nhất, chuyển giao về cho Tổng liên đoàn quản lý. Phương án 2, bán toàn bộ công ty thu hồi vốn về cho Tổng liên đoàn.
Phương án cuối cùng, giữ nguyên công ty. Bên cạnh đó, đề nghị Tổng liên đoàn cho công ty vay 35-40 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để trả nợ các khoản vay ngắn hạn, tái cơ cấu lại vốn, tổ chức, quản trị điều hành doanh nghiệp.
Ngày 19/5/2016, sau khoảng 2 tháng, công ty cũng đã gửi Tổng liên đoàn trình bày các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh nhấn mạnh ảnh hưởng do hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung theo đó, xin phương án để thực hiện nhưng không có phương án nào.
“Chắp tay cầu xin” được cổ phần hoá
Từ hàng loạt những mốc sự kiện nêu trên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và thương mại công đoàn Nghệ An cho rằng, việc dừng lại không cho cổ phần hoá của đơn vị chủ quản – Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là để giết chết một doanh nghiệp trong khi Tổng liên đoàn là cơ quan đại diện cho các tổ chức công đoàn và đòi quyền lợi cho người lao động.
“Tại sao lại dùng quyền lực của cơ quan cấp trên để hành xử với doanh nghiệp thuộc ngành mình quản lý như vậy?”, ông Viễn đặt câu hỏi trong đơn kêu cứu.
Ngoài ra, cũng tại đơn kêu cứu, đại diện doanh nghiệp đã nêu khó khăn của doanh nghiệp, người lao động khi nợ nần chồng chất, không có khả năng trả nợ ngân hàng dẫn đến phá sản… mà nguyên nhân do không được đơn vị chủ quản cho phép cổ phần hoá.
Cũng theo ông Viễn, trong 2 năm vừa qua, ông đã ra Hà Nội mỗi tháng hai lần để xin được cổ phần hoá, “chắp tay cầu xin các anh mong sao được sự đồng ý cũng là phúc phận cho doanh nghiệp được đứng vững để kinh doanh và có công ăn việc làm cho gần 50 lao động”.
Trao đổi với báo chí, ông Viễn cũng cho biết, trong quá trình làm việc với Tổng liên đoàn lao động ông cũng nhận được những câu trả lời thiếu trách nhiệm.
Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại công đoàn Nghệ An là doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và du lịch theo mùa vụ, thời gian mỗi năm chỉ từ 2-3 tháng mùa hè với khoảng 50 lao động, mỗi lao động hưởng mức lương 2 triệu đồng/tháng.
Tác giả bài viết: Hà Nguyễn