Giáo dục

Hết học kỳ, bất thường học sinh tấp nập chuyển trường

Phần lớn lý do chuyển trường là bởi hoàn cảnh gia đình ở xa trường học. Một số khác thì chuyển trường cho con em vì “chạy” trước chính sách.

LTS: Thời điểm kết thúc học kỳ 1 cũng là thời điểm các phụ huynh tìm mọi cách để chuyển trường cho con.

Thầy giáo Thiên Ấn cho biết, phần lớn lý do chuyển trường là bởi hoàn cảnh gia đình ở xa trường học. Một số khác thì chuyển trường cho con em vì “chạy” trước chính sách.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Đến thời điểm này, kết thúc học kỳ 1, nhiều phụ huynh lo chuyển trường cho con em, nhất là bậc trung học phổ thông.

Chuyển trường trong xã, huyện (quận), tỉnh thì đơn giản, chỉ cần có sự tiếp nhận của trường đến, đồng ý chuyển của trường đi, thế là xong.

Chuyển trường ngoài tỉnh thì có thêm giấy thiệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo của 2 tỉnh cùng một số loại hồ sơ, giấy tờ.

Các nhà trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo đang bận rộn hoàn tất thủ tục, hồ sơ chuyển trường cho phụ huynh, học sinh.

Phần lớn phụ huynh chuyển trường cho con em vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ làm ăn, định cư lâu dài ở địa phương mới.

Một số phụ huynh chuyển trường cho con em vì muốn con em tiến bộ, ngoan ngoãn, cách ly khỏi thành phần học sinh, thanh thiếu niên cá biệt, hư hỏng.


Một số phụ huynh chuyển trường cho con em vì “chạy” trước chính sách.

Thi tuyển sinh vào 10, biết năng lực học tập của con em mình ở mức “vừa phải”, phụ huynh và học sinh đăng ký nguyện vọng 2 của trường có điểm đầu vào thường rất thấp trên địa bàn, nếu không được nguyện vọng 1 thì trúng tuyển nguyện vọng 2 một cách dễ dàng.

hoc sinh lop 10
Sau khi kết thúc học kỳ, nhiều phụ huynh xin chuyển trường cho con. (Ảnh minh họa trên Báo Người Lao động)

Chấp nhận cho con em đi học xa nhà, hết học kỳ 1, con em thuộc diện trên lần lượt chuyển trường, xin về trường gần nhà, trường không trúng nguyện vọng 1 khi thi vào 10.

Vừa hết học kỳ 1, có trường “mất đi” mười mấy học sinh lớp 10, ít nhiều gây ảnh hưởng, xáo trộn đến tổ chức lớp học, công tác duy trì sĩ số của trường chuyển đi.

Nhiều giáo viên cho biết, ý thức, tư tưởng học tập, rèn luyện của học sinh dạng “học tạm” thường chểnh mảng, xao nhãng, ít hòa đồng với bạn bè, trường lớp, chỉ trông chờ đến hết học kỳ 1 hoặc cuối năm học là rút về trường có mong muốn, gần nhà.

Để ngăn chặn tình trạng chuyển trường “chạy” chính sách này, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo có quy định thêm một số điều kiện.

Đối với học sinh lớp 10 phải đến hết năm học mới được chuyển trường, học sinh muốn chuyển từ trường bình thường đến trường tốt hơn phải tham chiếu thêm điểm vào lớp 10 so với điểm chuẩn.

Và nhiều nhà trường buộc phải “làm khó” phụ huynh nhằm “giữ chân” học sinh ở lại.

Về mặt nguyên tắc, quy định chung thì hết học kỳ 1 hoặc cuối năm học, phụ huynh học sinh có quyền chuyển trường theo nguyện vọng.

Song, trước “làn sóng” chạy” trước chính sách của một số phụ huynh, các địa phương, nhà trường cực chẳng đã mới đặt thêm điều kiện ràng buộc như vậy.

Đối với trường chuyển đến cũng lắm cung bậc, cách xử lý khác nhau.

Gặp chỗ quen biết, thân tình thì khá dễ dàng, chỉ một lần đến là có ngay ý kiến đồng ý của lãnh đạo nhà trường.

Gặp phụ huynh xa lạ, đối tượng học sinh chuyển đến lại học yếu, chưa ngoan, nhiều vị lãnh đạo nói khó đủ đường, tới nhà, đến trường năn nỉ năm, bảy lượt hoặc tìm người có mối quan hệ, quen biết nói giúp cho, mới chịu nhận.

Tâm lý chung của nhiều trường là không muốn nhận, không muốn thêm “gánh nặng” về học sinh hư hỏng, cá biệt từ trường khác chuyển đến.

Tác giả bài viết: Thiên Ấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok