Người thân của các thủy thủ trên tàu San Juan đặt hoa tại căn cứ Mar del Plata trong lúc chờ tin (Ảnh: AP) |
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/11, người phát ngôn Hải quân Argentina Enrique Balbi cho biết trước khi mất liên lạc, tàu ngầm ARA San Juan đã được yêu cầu quay trở lại căn cứ Mar del Plata, nơi tàu này đồn trú, để khắc phục hiện tượng đoản mạch của hệ thống pin sau khi nước tràn vào tàu thông qua ống thở.
“Họ phải cách ly phần pin (gặp trục trặc) và tiếp tục di chuyển dưới nước về phía Mar del Plata bằng cách sử dụng phần pin khác”, ông Balbi cho biết.
Trước đó, các nhà chức trách Argentina nghi ngờ về khả năng xảy ra một vụ nổ dẫn tới sự biến mất bí ẩn của tàu San Juan từ ngày 15/11. Các chuyên gia cho biết tàu ngầm này chỉ còn đủ lượng oxy cho 44 thành viên thủy thủ đoàn trong 10 ngày.
Sau khi tàu ngầm San Juan bị mất liên lạc, Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện có trụ sở tại Vienna (Áo), cơ quan quốc tế chịu trách nhiệm vận hành mạng lưới các thiết bị “nghe” để phát hiện các vụ nổ nguyên tử bí mật, cho biết họ đã phát hiện ra một âm thanh mà Hải quân Argentina cho là tiếng nổ của tàu ngầm.
Hiện Argentina đang phối hợp với 12 quốc gia, huy động 30 máy bay, tàu cùng 4.000 nhân sự tham gia chiến dịch tìm kiếm tàu San Juan ở khu vực cách bờ biển phía nam Argentina 430 km. Một cuộc điều tra dự kiến cũng sẽ được mở ra để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới vụ mất tích của tàu San Juan.
Mặc dù chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm San Juan vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan sau nhiều ngày triển khai, song người phát ngôn của Hải quân Argentina cho biết lực lượng này không loại trừ khả năng sống sót của 44 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm mất tích.
Tác giả: Thành Đạt (Theo Guardian)
Nguồn tin: Báo Dân trí