Kinh tế

"Hất cẳng" Uber, Grab sẽ thu 10.000 đồng của khách hàng nếu huỷ chuyến

Grab cho rằng, việc đặt xe, sau đó huỷ chuyến sẽ gây nhiều bất tiện cho cả đối tác tài xế và khách hàng. Đối tác tài xế bị động hơn khi sắp xếp các cuốc xe còn khách hàng khó đặt xe hơn khi hủy chuyến nhiều lần.

Tài xế Grab thường nhờ khách huỷ chuyến vì điểm đón xa hoặc vào ngõ ngách.

Trong một thông báo vừa phát đi, Grab Việt Nam chính thức áp dụng chính sách hủy chuyến đối với khách hàng. Theo đó, mức phí hủy chuyến áp dụng là 10.000 đồng.

Phí huỷ chuyến sẽ được áp dụng khi khách hàng đã huỷ từ 7 chuyến Grab trở lên trong vòng 7 ngày. Khi huỷ từ 6 chuyến trở lên trong vòng 7 ngày, người dùng sẽ nhận được yêu cầu liên kết thẻ tín dụng với GrabPay để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Grab cho rằng, việc đặt xe, sau đó huỷ chuyến sẽ gây nhiều bất tiện cho cả đối tác tài xế và khách hàng. Đối tác tài xế bị động hơn khi sắp xếp các cuốc xe còn khách hàng khó đặt xe hơn khi hủy chuyến nhiều lần. Vì vậy, chính sách huỷ chuyến dành cho khách hàng sẽ được Grab chính thức áp dụng.

Theo Grab, hiện tại chính sách hủy chuyến dành cho khách hàng mới chỉ áp dụng cho các dịch vụ di chuyển của Grab (GrabCar, GrabTaxi, GrabBike). Các dịch vụ khác như GrabFood, GrabExpress vẫn chưa áp dụng hình thức này.

Grab cũng nêu rõ: "Khách hàng có quyền từ chối nếu đối tác tài xế yêu cầu bạn huỷ chuyến. Để duy trì tỷ lệ đặt xe nhanh và dễ dàng, chúng tôi khuyến khích khách hàng không huỷ chuyến".

Khách hàng huỷ 7 chuyến Grab trong 7 ngày sẽ bắt đầu bị thu phí. Ảnh minh hoạ.

Thông báo này ngay lập tức khiến người dùng bất ngờ vì quyết định huỷ chuyến thường xuất phát từ yêu cầu của tài xế nhiều hơn của khách hàng. "Có những lúc tài xế ở xa hoặc không tiện đường đón thường viện cớ để khách hàng huỷ chuyến vì khách huỷ không mất tiền nhưng tài xế huỷ sẽ bị ảnh hưởng. Giờ Grab áp dụng cả "chiêu" này nữa thì người dùng cần cẩn thận hơn" - chị Mai Lan, một nhân viên công sở tại Hà Nội thường xuyên sử dụng Grab cho biết.

Trước đó, khi Uber còn hoạt động tại thị trường Việt Nam, ứng dụng này cũng từng tính phí huỷ chuyến 15.000 đồng nếu khách hàng huỷ chuyến sau 5 phút đặt thành công.

Được biết, hồi cuối tháng 3/2018, Grab đã công bố mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Và từ đầu tháng 4/2018, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.

Liên quan đến thương vụ sáp nhập 2 ứng dụng gọi xe lớn nhất Việt Nam, ngày 18/5 vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định về việc điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.

Qua điều tra sơ bộ cho thấy thương vụ Grab thâu tóm Uber hồi tháng 3 vừa qua đã giúp Grab có thị phần vượt ngưỡng 50%, vi phạm luật Cạnh tranh 2004. Nhiều khả năng Grab sẽ đối diện án phạt 10% tổng mức doanh thu năm 2017.

Thời hạn điều tra chính thức vụ việc là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

Sau khi Uber rút lui khỏi thị trường Việt Nam, những tưởng Grab sẽ "một mình một chợ" với thị phần vượt quá 50% (tức cứ 2 người thuê xe di chuyển sẽ có 1 người chọn dịch vụ Grab), nhiều đối thủ khác đã đánh tiếng đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường. Mới đây nhất là Go-Jek - hãng cung cấp ứng dụng gọi xe nổi tiếng của Indonesia. Hãng này dự định sẽ chi 500 triệu USD để mở rộng hoạt động sang các thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong vài tháng tới.

Tác giả: Hoa Liên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: grab , uber , Khách hàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok