Sự xuất hiện trong bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới mới nhất do Forbes công bố của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ôtô Trường Hải (Thaco) không khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, hành trình từ anh thợ máy đến ông chủ tập đoàn sản xuất khổng lồ với những tư duy khác biệt của ông mới là yếu tố gây bất ngờ.
Anh thợ sửa xe có bằng đại học
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM năm 1983 với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành máy nâng chuyển bốc xếp, ông Trần Bá Dương trở thành kỹ thuật viên sửa chữa tại nhà máy đại tu ôtô Đồng Nai. Năm 1987, ông được đề bạt lên vị trí quản đốc xưởng sửa chữa của nhà máy này. Được xem là "anh thợ sửa xe có bằng đại học", Chủ tịch Tập đoàn ôtô Trường Hải (Thaco), Trần Bá Dương khiến nhiều người phải nể trọng bằng cờ-lê, mỏ-lết và kiến thức của mình khi còn là kỹ sư cơ khí.
Ông chủ Trường Hải từng chia sẻ: "Tôi lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ tôi bươn chải nuôi anh em tôi ăn học. Tốt nghiệp đại học, tôi xin làm công nhân sửa chữa ôtô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò. Nhờ kiến thức ở trường, tôi đưa ra dự án 'Chuyển đổi tay lái nghịch', được Bộ Giao thông - Vận Tải chấp nhận. Từ đó, công ty giao cho tôi quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán, tôi đã có điều kiện tích luỹ và phát huy khả năng của mình".
“Tôi xuất thân là một kỹ sư cơ khí, làm nên Trường Hải từ hai bàn tay trắng", ông Trần Bá Dương chia sẻ. Ảnh: Phượng Nguyễn. |
Năm 1997, thợ máy Trần Bá Dương xin nghỉ việc và thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình. Xưởng sửa xe này chính là tiền thân của Thaco, doanh nghiệp đưa ông Dương đến với danh hiệu “vua ôtô” Việt Nam.
Khi mới thành lập, hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty là nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang lại để cung cấp ra thị trường, đồng thời cung cấp các vật tư phụ tùng cho việc sửa chữa ôtô.
Người Việt Nam đầu tiên làm được xe du lịch
Năm 2000, ông Dương mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA và chính tỷ phú đôla này là người Việt Nam đầu tiên đã làm được xe du lịch. Từ dòng xe Kia, Thaco, Kinglong…, Trần Bá Dương đưa Trường Hải trở thành doanh nghiệp tư nhân với 100% vốn trong nước đầu tiên lắp ráp và sản xuất xe du lịch.
Cuối năm 2002, khát vọng lập hẳn một khu công nghiệp cho ôtô đã được ông Trần Bá Dương thực hiện tại Chu Lai - Quảng Nam. Khu liên hợp sản xuất ôtô Chu Lai - Trường Hải chính thức hoạt động từ tháng 10/2003, đánh dấu bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp làm ôtô của ông Dương.
Ở một diễn đàn khởi nghiệp mới đây, ông Dương cho rằng ai đó muốn làm tốt công việc của mình thì ngay từ đầu phải học lại như một người thợ, và phải hơn những người thợ không có may mắn được đi học đại học như mình.
“Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến tâm thế. Tâm tức là cái bên trong, thế là chuẩn bị cái gì để làm. Nếu đủ hết các nguồn lực mà không có tâm cũng sẽ thất bại. Hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu, có tâm trước, sống với nghề, làm từ nhỏ tôi lớn với sự nỗ lực, kiên trì tích lũy từng bước một. Tôi cho rằng đó là cách để khởi nghiệp thành công”, ông Dương chia sẻ.
Một giấc mơ khác với nền công nghiệp ôtô Việt Nam
Là người đề xuất chiến lược tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thay vì cứ mãi theo đuổi giấc mơ về chiếc ôtô “Made in Vietnam”, ông được xem người tiên phong mở lối đi riêng cho ngành công nghiệp ôtô trong nước vốn vẫn đang bế tắc.
Cùng hướng đến một giấc mơ phát triển một chiếc xe nguyên bản của Việt Nam nhưng hành trình đi đến tận cùng ước mơ của ông Trần Bá Dương lại hoàn toàn khác.
“Tôi cho rằng nếu mong muốn có được một sản phẩm ôtô “Made in Vietnam” thì việc trước tiên là phải cân nhắc về độ lớn của thị trường. Mục tiêu chúng tôi nhắm đến là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hợp tác với các đối tác nước ngoài” - ông Dương nói.
Khu phức hợp cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải đang tạo ra chuỗi giá trị cho ngành sản xuất ôtô Việt Nam. Ảnh: Hân Nguyễn |
Với kinh nghiệm có được từ thực tế, ông đã chọn cái gì đơn giản, dễ thì làm trước, cái khó để lùi lại sau. Làm xe du lịch chở người đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ, rồi còn phụ thuộc yếu tố thị trường, nên xe tải và xe bus đã được ông Trần Bá Dương chọn là điểm khởi đầu trong con đường sản xuất chiếc ôtô tại Việt Nam.
Bắt đầu từ công đoạn lắp ráp những dòng xe đã có sự tín nhiệm của người tiêu dùng, Trường Hải đã tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất linh phụ tùng khác cùng tới Chu Lai để sản xuất, nâng tỷ lệ nội địa hóa, góp phần giảm bớt ngoại tệ phải bỏ ra để nhập khẩu xe phục vụ khách hàng nội địa.
Tập đoàn này đang phát triển mô hình kinh doanh theo hướng quản lý đầy đủ chuỗi giá trị, từ sản xuất, lắp ráp, dịch vụ phụ tùng, sửa chữa và phân phối ôtô đến người dùng.
Sau hơn 10 năm, với tổng vốn bỏ ra gần 9.000 tỷ đồng, Khu phức hợp cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải trên diện tích gần 600 ha, với hơn 20 nhà máy và công ty, trong đó có 4 nhà máy lắp ráp ôtô, 8 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng.
Ngoài ra, còn có các đơn vị hỗ trợ, như trường cao đẳng nghề, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), các công ty xây dựng, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và hệ thống giao nhận vận chuyển, bao gồm cả vận tải biển và vận tải đường bộ.
Với tỷ lệ nội địa hóa gần 50%, cao nhất Việt Nam hiện nay, phân khúc xe bus Thaco Mobihome chiếm đến 95% thị phần, một kỷ lục chưa từng có ở Việt Nam với bất kỳ sản phẩm nào. Đó là cơ sở để nhận được sự cộng tác của các nhãn hiệu ôtô lớn trên thế giới.
“Chúng ta cố gắng hạn chế tối đa thất bại. Đối với tôi, những câu nói hay về thất bại chỉ mang tính khích lệ thôi, còn về mặt kinh tế, không nên thất bại" - ông quan niệm.
Từ ôtô vươn vai thành người khổng lồ
Khi đã thành công ở ngành nghề cốt lõi, Trần Bá Dương đưa ra chiến lược phát triển Thaco trở thành tập đoàn đa ngành. Năm 2012, ông bắt tay vào đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và phát triển đô thị bất động sản, ngay thời kỳ thị trường này rơi xuống đáy. Khu đô thị Sala - Đại Quang Minh được hình thành nhanh chóng và trở thành trái tim của Thủ Thiêm - TP.HCM.
Sau ôtô, bất động sản, ông Trần Bá Dương lại lấn sân vào nông nghiệp bằng hợp tác sản xuất và phân phối máy nông nghiệp với Công ty LS Mtron (Hàn Quốc).
Theo nội dung ký kết, LS Mtron sẽ chuyển giao công nghệ cho Thaco xây dựng nhà máy và bắt đầu sản xuất máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa đến 50%, mang thương hiệu Thaco và phân phối độc quyền tại Việt Nam.
Đang sở hữu tập đoàn tư nhân quy mô hàng đầu Việt Nam, có hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, việc ông Trần Bá Dương có tên trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2018 không có nhiều bất ngờ.
Nhiều người khẳng định ông Dương thậm chí có thể sánh cùng các tỷ phú của Việt Nam trước đây nếu đưa cố phiếu Thaco lên sàn.
|
Hiện tại, Thaco có gần 415 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lên gần 4.150 tỷ đồng. Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Thaco đạt gần 2,8 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương cùng với vợ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% doanh nghiệp này. Theo số liệu được công bố mới nhất, ông Dương đang nắm giữ số cổ phiếu Thaco trị giá khoảng 1,8 tỷ USD.
Mới đây khi nhìn lại hành trình 20 năm của doanh nghiệp, ông Dương chia sẻ ba bước ngoặt quan trọng để tạo ra Thaco ngày hôm nay. Thứ nhất bắt đầu từ một garage với đơn hàng ít ỏi và bản thân ông cũng là người thợ sửa chữa. Giai đoạn tiếp theo là chuyển sang mô hình mua xe cũ về sửa chữa để bán lại, đây là quyết định mang tính dich chuyển. Cuối cùng là lắp ráp ôtô theo phân khúc riêng, tạo nên điểm khác biệt. Xây dựng nhà máy lắp ráp tại Chu lai là quyết định đương đầu với rủi ro để làm cái lớn.
Tác giả: Bình Nguyên
Nguồn tin: zing.vn