Trong tỉnh

Hàng trăm người bị lừa đảo chiếm đoạt trên 300 tỉ đồng

Tính từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận điều tra, xác minh và đấu tranh xử lý gần 200 vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng tài sản bị chiếm đoạt trên 300 tỉ đồng.

Ngày 30/4, tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết mặc dù đã liên tục tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhưng thời gian gần đây số vụ, số người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn liên tục gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Chị L.T.P.A. tới công an trình báo khi bị lừa đảo hàng chục triệu đồng - Ảnh Công an Thanh Hóa

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính từ năm 2021 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận điều tra, xác minh và đấu tranh xử lý gần 200 vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng tài sản bị chiếm đoạt trên 300 tỉ đồng .

Hầu hết trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đều diễn ra với cùng kịch bản, đó là các đối tượng tội phạm thường lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, sự chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu thông tin kiểm chứng, thậm chí là sự hám lời của bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Mặc dù các hình thức, thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn dễ dàng trở thành nạn nhân.

Chị L.T.P.A, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Hồng Đức - một nạn nhân của các đối tượng lừa đảo trên mạng với chiêu trò tuyển cộng tác viên bán hàng - cho biết do là sinh viên, muốn có thu nhập thêm để trang trải cuộc sống nên khi tìm hiểu trên mạng xã hội, thấy quảng cáo đăng thông tin tuyển dụng cộng tác viên xử lý đơn hàng trong ngày cho các sản phẩm thương mại điện tử.

Thấy công việc phù hợp với mình nên chị A. đã liên hệ làm thử và được giao xử lý một số đơn hàng. Ban đầu những đơn hàng này chỉ có giá trị nhỏ chỉ vài trăm ngàn đồng. Sau khi xử lý xong đều được nhận "hoa hồng" đầy đủ. Nhưng sau này giá trị các đơn hàng lớn dần, có đơn hàng lên đến cả chục triệu đồng, chị phải đi vay mượn mới đủ. Tuy nhiên, sau khi xử lý đơn hàng xong thì không thấy hồi âm, hỏi ra chị A. mới biết mình bị lừa.

Thiếu tá Lại Thanh Tùng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Thanh Hóa, cho biết tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có tính chất đặc thù, khả năng hoạt động phạm tội rộng, các đối tượng phạm tội sử dụng các phần mềm trực tuyến, mạng xã hội như Facebook, Zalo hay các phương tiện, thiết bị điện tử khác... làm công cụ, phương tiện phạm tội.

Sau khi chiếm đoạt được tiền rồi thì các đối tượng ngay lập tức chuyển vào nhiều tài khoản khác nhau gay khó khăn cho công tác điều tra, truy vết và xử lý.

Tác giả: Tuấn Minh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok