Đặt tour đi Trung Quốc để xem… bóng đá ngoài quán Internet
Chị Q.A, một du khách người Hà Nội không giấu nổi tâm trạng bức xúc cho hay, chuyến đi của chị và các thành viên trong đoàn giống như “cuộc tị nạn”. Dù đặt chân đến Nam Ninh vào rạng sáng ngày 27, nhưng do ảnh hưởng của bão tuyết nên các chuyến bay đến Thượng Hải đều bị hủy chuyển. Cả đoàn bị mắc kẹt tại sân bay và bắt đầu chuỗi thời gian vạ vật chờ đợi trong mệt mỏi. “Từ 3 giờ sáng tới 10 giờ tối, chúng tôi chỉ biết chờ đợi, di chuyển và đói rét. Bơ vơ giữa nơi đất khách quê người, và mọi người bắt đầu ... loạn lạc.
Khi được đưa về khách sạn vào buổi đêm, chúng tôi mới biết mình không phải đoàn xe duy nhất. Có những đoàn xe khác đã từ Nam Ninh ra tới sân bay và lại phải quay về. Bắt đầu có những người tách đoàn, liên lạc mọi nơi để tìm được vé cho kịp tới Thường Châu, kể cả là chỉ kịp chạy vào sân vận động ở những giây phút cuối. Nào là đi 400km trong đêm tới Quế Lâm để bay đi Thượng Hải, nào là đi từ Nam Ninh lên Quảng Châu để bay tới Thượng Hải. Những con người vẫn còn mặc màu áo đỏ trên người lúc đi thì hừng hực khí thế, giờ lại chỉ biết ngồi nhìn nhau. Một chú trong đoàn giơ điện thoại nói “ở nhà mọi người được nhìn thấy tôi trên ti vi rồi mà giờ lại phải quay về”- chị Q.A kể lại.
Trong khi đó, theo tiết lộ của một doanh nghiệp đối tác Trung Quốc - Công ty du lịch D.T, công ty này ghi nhận có 28 khách đi theo đường bay khởi hành từ Hà Nội đi Quảng Châu ngày 26/1 để bắt chuyến bay đi Nam Kinh vào sáng ngày 27/1, nhưng do thời tiết xấu khiến sân bay Nam Kinh đóng cửa nên toàn bộ nhóm khách này bị “kẹt” lại ở Quảng Châu. Thay vì được đến sân vận động xem trực tiếp trận đấu, nhóm khách này phải ra quán trò chơi điện tử để xem qua mạng Internet bởi phía Trung Quốc không truyền hình trực tiếp trận đấu này.
Cũng doanh nghiệp này, một đoàn 38 khách Việt Nam khác may mắn lên được chuyến bay Quảng Châu - Nam Kinh nhưng do thời tiết xấu nên buộc phải hạ cánh ở sân bay Hồng Kiều (Thượng Hải) và bị kẹt tại đây, không thể di chuyển do đường cao tốc bị phong tỏa, tàu cao tốc bị quá tải. Một số người trong đoàn vì quá “nóng lòng” cổ vũ đội bóng U23 bằng mọi giá đã tự ý tách đoàn di chuyển đến Thường Châu bất chấp mọi cảnh báo của hướng dẫn viên trong đoàn.
“Việc khách tự ý tách đoàn như vậy rất nguy hiểm không chỉ bởi khách không biết tiếng Trung mà còn bởi điều kiện đường sá bị tuyết phủ dày sẽ gây mất an toàn, đồng thời visa cấp cho các đoàn khách là visa đoàn (PV - toàn bộ thành viên trong đoàn phải nhập cảnh và xuất cảnh cùng nhau tại cửa khẩu). Hiện rất nhiều đoàn khách vẫn đang mắc kẹt ở Trung Quốc chưa thể quay trở về Việt Nam do chưa tập hợp đủ thành viên trong đoàn", đại diện doanh nghiệp này nói.
Nhiều đơn vị lữ hành quyết định “hủy” tour vào phút cuối
Theo tìm hiểu của PV, lượng cổ động viên Việt Nam đi tour sang Trung Quốc chủ yếu thông qua các đơn vị lữ hành dưới hình thức đưa khách đi qua các cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai, Hữu Nghị, sau đó lên chuyến bay từ Nam Ninh hoặc Côn Minh sang Nam Kinh, Thượng Hải hoặc Hàng Châu.
Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, bão tuyết xảy ra tại Trung Quốc, nhiều chuyến bay tới Nam Kinh, Thượng Hải và vùng Hoa Đông sáng ngày 26/1 không thể thực hiện được, đường cao tốc và đường sắt bị phong tỏa, do đó có nhiều đoàn khách đã đi đến cửa khẩu hoặc sang được đến Nam Ninh (Trung Quốc) nhưng không thể tiếp tục đến Thường Châu để dự xem trận đấu.
Cũng vì lý do trên, rất nhiều đơn vị lữ hành phía Việt Nam buộc phải hủy gấp các tour đi Thường Châu cổ vũ bóng đá vì điều kiện thời tiết không đảm bảo an toàn.
Cụ thể, ngay trong đêm ngày 26/1 Vietrantour đã phát đi lời xin lỗi và tiến hành chi trả toàn bộ chi phí cho các đoàn đặt tour trước đó. Lý giải về quyết định “nhạy cảm” này của mình, đại diện Vietrantour cho biết, với kinh nghiệm tổ chức các tour tuyến quốc tế lâu năm, điều kiện thời tiết diễn biến xấu như hiện tại, lịch trình di chuyển của du khách sẽ khó có mặt ở SVĐ Thường Châu đúng như dự kiến. Ngoài ra, bão tuyết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong đoàn. “Chúng tôi buộc phải dừng hành trình cổ vũ U23 Việt Nam dù rằng điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị thiệt hại về tài chính, uy tín bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, chúng tôi cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho du khách là điều quan trọng nhất, nên đã quyết định hoàn trả 100% tiền tour và sẵn sàng chịu lỗ đối với những chi phí phát sinh cho chuyến đi”, đại diện này nói.
Trong khi đó, một công ty lữ hành có trụ sở Sài Gòn cũng đành “ngậm ngùi” hoàn tiền cho hơn 1 nghìn du khách đặt tour sang Thường Châu (Trung Quốc) vì lý do thời tiết không đảm bảo. “Chúng tôi đã phải đứng trước quyết định rất khó khăn. Việc hủy tour do những nguyên nhân khách quan thời tiết, không mong muốn, bởi nếu vẫn một mực đưa du khách đi theo lịch trình đã lên kế hoạch thì chắc chắn đến giờ vẫn đang mắc kẹt ở Trung Quốc do hàng loạt chuyến bay, phương tiện bị hủy”, đại diện đơn vị này nói.
Theo một số chuyên gia du lịch, trong trường hợp này, điều kiện thời tiết khắc nghiệt là yếu tố rủi ro cao đối với những tour như tour cổ vũ U23 Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp du lịch cần “lượng sức mình” và xem xét kỹ các điều kiện thực tế để đưa ra các kịch bản có thể xảy đến đối với các đoàn khách du lịch để có phương án xử lý hợp lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
Thậm chí, trong trường hợp tour cổ vũ U23 nói trên, việc mạnh dạn tạm dừng hoặc hủy tour có thể được xem là quyết định sáng suốt khi xét thấy các điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách không đủ. Bởi lẽ, nếu cố nhận khách và triển khai tour, doanh nghiệp sẽ tự đẩy bản thân và du khách vào hoàn cảnh không mong muốn và khi đó, uy tín còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Bản thân du khách cũng cần cân nhắc để lựa chọn những doanh nghiệp lữ hành uy tín và bình tĩnh tuân theo chỉ dẫn của đơn vị điều hành tour để được “dẫn đường” một cách sáng suốt, tránh lâm vào hoàn cảnh “tiền mất tật mang”.
Tác giả: Hà Trang - Minh Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí