Giáo dục

Hàng nghìn trẻ Việt kiều Campuchia vượt lũ về nước học chữ

Hơn 1.200 học sinh người Việt ở vùng biên giới tỉnh Kandal (Campuchia) hàng ngày vượt sông Bình Di bằng những con xuồng nhỏ trong nước lũ chảy xiết sang huyện An Phú, An Giang học chữ.

Mỗi ngày có hơn 1.200 học sinh người Việt ở vùng biên giới tỉnh Kandal (Campuchia) vượt sông trong mùa lũ về An Phú học tiếng Việt. Ảnh: Cửu Long

Huyện An Phú có 7 xã biên giới mỗi ngày tiếp nhận hơn 1.200 học sinh người Việt từ huyện Kỏ Thum, tỉnh Kandal sang học chữ Việt. Từ tháng 8 đến nay, phía Campuchia có lệnh cấm các bến đò ngang hoạt động trên sông Bình Di khiến việc đi lại của học sinh và người dân gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, xã Khánh An có lượng học sinh Việt kiều về học nhiều nhất với hơn 700 em. Các bến đò ngang ngưng hoạt động, người dân huyện Kỏ Thum lấy xuồng nhỏ chở học sinh vượt sông trong nước lũ và thu tiền mỗi lượt 1.000 đồng một người. "Nước chảy xiết, tui con sợ lắm nhưng không có cách nào khác để đến trường", em Lê Văn Sang, học sinh trường tiểu học Khánh An, nói.

Trước mối nguy hiểm, nhiều phụ huynh gác lại việc làm ăn đưa con đến lớp rồi chờ đến khi tan học chở về. Nhiều người còn tự lấy xuồng đưa rước con đi học. "Sông rộng mấy trăm mét, ngay mùa mưa lũ, xuồng thì nhỏ xíu nên không thể bỏ con đi một mình. Mỗi ngày tôi và ông xã phải thay phiên đưa hai đứa nhỏ sang xã Khánh An học chữ", bà Nguyễn Thị Ngọc ở huyện Kỏ Thum than vãn.

Tính luôn tiền xe ôm hai bên và tiền đò chẻ (đò ngang nhỏ), mỗi ngày gia đình bà Ngọc tốn 40.000-50.000 đồng cho hai con đi học. "Trước đây, đò lớn không lấy tiền học sinh. Tụi nhỏ tự đi bộ đến lớp hoặc mình lấy xe máy chở đi, chi phí chưa tới 20.000 đồng, mà an toàn hơn", bà Ngọc nói.

Xuồng nhỏ chở đầy học sinh vượt sông khiến nhiều người lo ngại. Ảnh: Cửu Long

Ông Nguyễn Hùng Long - Chủ tịch UBND xã Khánh An cho rằng, việc học sinh và người dân phải đi đò nhỏ vượt sông Bình Di trong mùa lũ là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, theo ông Long, việc cấm các bến đò lớn hoạt động là do phía Campuchia. Sắp tới họ sẽ mở con đường lớn, lập trạm kiểm soát và gom về một bến đò cho phép hoạt động trở lại để thuận tiện trong kiểm soát người và xe qua lại, đảm bảo an ninh, an toàn.

"Trước mắt, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhà trường, phụ huynh, chủ đò chẻ yêu cầu cho học sinh mặc áo phao khi qua sông, không được chở quá tải", ông Long nói.

Ngoài ra, theo chính quyền huyện An Phú, sở dĩ bà con Việt kiều phải bơi xuồng qua sông để đưa con em đến trường là vì cầu Long Bình - Chrey Thom (duy nhất bắc qua sông Bình Di) nối hai huyện giáp ranh dù đã hợp long nhưng chưa thể qua lại. Phía Việt Nam đã xây dựng xong nhưng phía nước bạn chưa làm đường dẫn lên cầu và một số hạng mục khác...

Tác giả bài viết: Cửu Long

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok