Giáo dục

Hàng nghìn hồ sơ toàn điểm 10: Tương lai sẽ “lọt lưới” cán bộ yếu kém

Nếu học sinh đạt điểm 10 không thực chất với trình độ của các em thì trong tương lai chúng ta vẫn còn“lọt lưới” cán bộ yếu kém...

Phó Giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội vừa chia sẻ, ông cảm thấy rất kỳ lạ và khó xử khi tiếp nhận hàng trăm hồ sơ đạt điểm 10 tuyệt đối cả 2 môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm Tiểu học trong xét tuyển vào lớp 6.

Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở nhiều trường THCS tốp đầu có số lượng hồ sơ nộp vào nhiều gấp 4 đến 5 lần so với chỉ tiêu mà còn ở những trường học khác. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm, lo lắng là với số lượng hàng nghìn học bạ xếp loại giỏi, hồ sơ đạt điểm 10 có phản ánh đúng thực chất trình độ, năng lực của học sinh hay không.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

hang nghin ho so toan diem 10 tuong lai se lot luoi can bo yeu kem hinh 1
Nhiều phụ huynh đang lo lắng về số lượng hồ sơ đạt điểm 10 và xếp loại giỏi của học sinh Tiểu học có đúng với trình độ, năng lực của các em (ảnh minh họa)

PV: Thưa GS, ông nhìn nhận như thế nào trước lo lắng của PGS.TS Văn Như Cương khi trường của ông và nhiều trường THCS khác nhận được nhiều học bạ đạt điểm 10 tuyệt đối cả 2 môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm Tiểu học?

GS.TS Phạm Tất Dong: Nếu thống kê số điểm học sinh đạt được từ thấp đến cao nhất theo dạng hình chuông sẽ thấy, học sinh có số điểm thấp nhất và cao nhất sẽ đứng ở vị trí thấp hơn so với học sinh đạt điểm trung bình. Vì vậy, nếu lượng học sinh đạt điểm cao nhất thuộc về số đông thì là sự vô lý.

Những lo lắng của PGS.TS Văn Như Cương cũng như dư luận xã hội về tỷ lệ học sinh đạt điểm tuyệt đối ở cả 2 môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm học Tiểu học liệu có phản ánh đúng thực chất trình độ của các em không là hoàn toàn có cơ sở. Còn theo tôi, trình độ thực tế của học sinh không thể được như vậy.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học theo như Thông tư 30 và 22 nên việc đánh giá năng lực học tập và rèn luyện học sinh ở các trường học đã bị buông lỏng và dễ dàng. Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

GS.TSKH Phạm Tất Dong: Việc có quá nhiều học sinh đạt điểm cao tuyệt đối ở trong một lớp học đã cho thấy, ở nhiều trường, các thầy cô giáo đã dễ dãi khi chấm điểm học sinh, chứ không phải là vì việc thực hiện không chấm điểm học sinh Tiểu học nên mới như vậy.

Nguyên nhân có thực trạng trên có thể phân tích ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, tâm lý của nhiều người có thể vì thương học trò, muốn các cháu có học bạ đẹp để xét tuyển vào lớp 6. Mặt khác, có những trường hợp học sinh học lực không được tốt nhưng phụ huynh muốn con được lên lớp 6 nên xin thầy cô giáo chấm nương tay hơn.

Thứ hai, ở các trường Tiểu học vẫn còn tồn tại “bệnh thành tích”, muốn có nhiều học sinh giỏi để đạt được danh hiệu thi đua.

hang nghin ho so toan diem 10 tuong lai se lot luoi can bo yeu kem hinh 2
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Học không thực chất sẽ còn những cán bộ yếu

PV: GS có thể phân tích những hậu quả khi việc đánh giá học sinh không thực chất?

GS.TSKH Phạm Tất Dong: Theo tôi, các lãnh đạo, quản lý ở các trường học nên động viên giáo viên đánh giá trình độ, năng lực của học sinh đúng thực chất. Không nên lấy số lượng học sinh giỏi, đạt điểm cao là tiêu chí để xét danh hiệu thi đua cho giáo viên.

Nếu tình trạng các trường đánh giá học lực của học sinh không đúng thực chất thì trong tương lai gần, những em này lên lớp cao hơn nhưng lại bị rỗng kiến thức căn bản từ lớp học dưới.

Ví dụ như học sinh vào cấp THPT nhưng những điều cơ bản nhất ở cấp Tiểu học và THCS thì lại không biết gì, không nắm được hoặc viết câu văn vẫn sai. Điều này còn được chứng minh trong thực tế là hiện nay ở nhiều địa phương, cơ quan vẫn để “lọt lưới” cán bộ có bằng cử nhân, thạc sĩ viết câu văn không ra gì.

Là người hướng dẫn nghiên cứu sinh nhiều năm nay, tôi đã từng đọc những luận văn của người làm luận án tiến sĩ viết trong có 1 trang giấy mà đã mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp câu. Điều này cho thấy, họ đã không nắm chắc kiến thức ngữ văn từ cấp học dưới.

PV: Những trường THCS nhận được hàng nghìn hồ sơ học sinh Tiểu học xếp loại giỏi, đạt điểm cao đã khiến cho họ rất khó khăn trong việc chọn lựa học sinh. Vậy theo GS, các trường phải làm gì để chọn lọc thí sinh vào trường?

GS.TS Phạm Tất Dong: Theo tôi, hội đồng trường cần đưa ra tiêu chí riêng chọn lựa thí sinh vào trường như: ưu tiên những học sinh sinh sống ở gần trường, con gia đình chính sách...

Với những trường có chất lượng cao thì có thể tổ chức 1 đợt kiểm tra phỏng vấn trực tiếp trình độ tiếng Anh của học sinh. Sau khi chọn đủ chỉ tiêu học sinh vào trường thì các trường có thể tổ chức kiểm tra, xếp loại lại trình độ của học sinh để phân chia lớp.

PV: Xin cảm ơn GS!/.

Tác giả: Bích Lan

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok