Tai tiếng sai phạm nhưng cơ quan chức năng không nhòm ngó
Ngày 23/6/2015, Sở Xây dựng Nghệ An có Công văn số 1201/SXD.QLQH, do ông Hoàng Trọng Kim, Giám đốc Sở ký, gửi UBND tỉnh có nội dung: Xét đề nghị của Công ty CP Đầu tư Trung tâm thương mại Vinh, tại Tờ trình số 29/2015/TT/VICENTRA ngày 4/6/2015, xin thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mặt bằng tổng thể Dự án Tòa tháp Eurowindown tại số 2 đường Trần Phú, TP Vinh.
Chỉ một tuần sau, ngày 29/6/2015, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2725/QĐ.UBND-XD điều chỉnh quy hoạch chi tiết Dự án Tòa tháp Eurowindow tại số 2 đường Trần Phú. Sau đó, UBND tỉnh liên tiếp hối thúc phường Hồng Sơn bàn giao và giải phóng mặt bằng (GPMB), để nhà đầu tư tổ chức khởi công xây dựng.
|
Dự án là tòa tháp Eurowindow Nghệ An tọa lạc tại vị trí số 2 Trần Phú, với quy mô 20 tầng bao gồm 19 căn nhà phố thương mại và 14 tầng khu căn hộ cao cấp. Diện tích dự án bao gồm 2.874m2 do Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư trung tâm thương mại Vinh. Công trình kiến trúc, tòa nhà 20 tầng gồm: khối đế cao 4 tầng, diện tích xây dựng 2.000m2, mục đích sử dụng: thương mại dịch vụ, khối căn hộ tầng 5 đến tầng 20 diện tích xây dựng 920m2. Chiều cao công trình 72,9m, kể cả thiết bị không quá 85m. Trên nóc công trình có gắn đèn cảnh báo chướng ngại vật hàng không. Mật độ xây dựng trên khu đất 69,5%.
Theo đó, công ty xin điều chỉnh công năng sử dụng khối đế 4 tầng (tầng 1 đến tầng 4) từ Trung tâm thương mại sang nhà ở kết hợp thương mại (giữ nguyên quy mô, diện tích, chiều cao thiết kế cơ sở đã được phê duyệt), tầng 5 thành tầng kĩ thuật + sân phơi. Việc điều chỉnh này được UBND tỉnh đồng ý tại Công văn số 9891/UBND.CN ngày 27/12/2014; Công văn số 3667/UBND-CN ngày 8/6/2015. Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở tại Văn bản số 187/SXD-HĐXD.
Ngày 7/4/2016, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 249, phê duyệt mức giá đất tại lô đất trên là 43.120.000 đồng/m2, trong đó giá thị trường lên đến vài trăm triệu/m2.
Như vậy, khác với dự án hơn 4.000 tỷ được thực hiện theo luật Đấu thầu, sự hiện diện trước nay của Eurowindow ở Nghệ An được nhận định thương vụ thâu tóm đất công sản số 2 Trần Phú tại ngã tư Chợ Vinh không qua đấu giá, khi mức giá bán được UBND tỉnh Nghệ An chỉ định được cho là thấp hơn nhiều lần giá thị trường.
Tuy nhiên, quyết định UBND của tỉnh Nghệ An không nhận được sự đồng tình của dư luận bởi đây là mảnh đất nằm giữa trung tâm thương mại, buôn bán không những của tỉnh Nghệ An mà cả vùng Bắc Trung Bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, mảnh đất có giá trị rất cao nên cần phải đấu giá nhưng UBND tỉnh lại chỉ định.
Đến nay, nhiều sai phạm tại dự án này vẫn chưa được xử lý triệt để. Tương tự trước đó, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới hơn 4.000 tỷ đồng tại phường Đông Vĩnh và phường Cửa Nam, TP. Vinh theo hình thức chỉ định thầu. Nhà đầu tư trúng sơ tuyển là Liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Eurowindow Holding và Công ty Cổ phần Xây dựng và quản lý dự án số 1.
Được biết, tổng mức đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới tại phường Đông Vĩnh và phường Cửa Nam, TP. Vinh là 4.185 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 131 tỷ đồng, chi phí thực hiện dự án là 4.054 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất để xây dựng dự án khu đô thị này là 37,8 ha, trong đó diện tích đất thuộc ranh giới phường Đông Vĩnh là 30,4 ha; diện tích đất thuộc ranh giới phường Cửa Nam là 7,4 ha.
Tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản về việc tạm đình chỉ quyết định Về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới này.
Đầu tháng 6/2020, liên danh của Eurowindow Holding được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ định làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và xã Hoằng Long, dự án với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa (bên mời thầu) tổ chức triển khai các bước công việc tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Kết quả trúng sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án này được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt gồm 1 nhà đầu tư là liên danh CTCP Eurowindow, Holding - CTCP Xây dựng và Quản lý dự án số 1 (Địa chỉ: Tầng 16, số 02 Tôn Thất Tùng, phường Trung Tự, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội). Hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư là chỉ định nhà đầu tư; một giai đoạn, một túi hồ sơ.
Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là quý III/2020. Thời gian thực hiện hợp đồng không quá 8 năm kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.
Tại khu vực Tây Bắc, mới đây Eurowindow Holding khởi công xây dựng dự án Melinh Plaza Yên Bái. Đây là dự án nằm tại vị trí trung tâm thuộc phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Dự án là tổ hợp nhà ở thương mại, bao gồm: một Trung tâm thương mại, 12 căn nhà phố thương mại, 12 căn biệt thự đơn lập và 6 căn biệt thự song lập cùng hệ thống đường nội khu, bãi đỗ xe và hạ tầng kỹ thuật, cây xanh. Đây được đánh giá là vị trí “đất vàng” của TP Yên Bái với giá trị thương mại vô cùng cao.
Năm 2011, Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng đối với Eurowindow trên ô đất có diện tích 3.962m2 tại số 27 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Công trình có quy mô 3 tầng hầm, 28 tầng nổi (25 tầng văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại,... và 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái).
Được biết, sau khi được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng năm 2011, chủ đầu tư đã chủ động liên hệ với các sở, ban, ngành của thành phố để xin chuyển đổi một phần diện tích xây dựng văn phòng cho thuê thành căn hộ dịch vụ cho thuê.
Ngày 16/6/2011, UBND TP.Hà Nội đã có công văn số 4863/UBND-XD đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư liên hệ với các sở, ngành có liên quan để thực hiện các thủ tục phát sinh do điều chỉnh chức năng dự án.
Năm 2012, lấy lý do thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê không phát triển bởi khủng hoảng kinh tế, chủ đầu tư một lần nữa tiếp tục xin đề xuất chuyển đổi chức năng từ căn hộ dịch vụ cho thuê sang căn hộ thương mại để bán.
Dự án đã được bàn giao đưa vào sử dụng vài năm nay, song ít ai biết, trong quá trình xây dựng hoàn thiện dự án, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi 2 tầng kỹ thuật thành 19 căn hộ để bán. Cụ thể, tại tầng 6 có tổng diện tích sàn xây dựng 1.767m2 được chia làm 15 căn có diện tích khác nhau từ 76 - 123m2. Còn tại tầng 27 tổng diện tích xây dựng 1.767m2 cũng đã được chia thành 4 căn với diện tích 119 đến 200m2.
Một trong số các dự án sai phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Thông báo Kết luận Thanh tra mới đây phải kể đến là Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang tại các lô D12a, D12b, D12c Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh.
Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang có tên thương mại là Movenpick Cam Ranh Resort. Dự án có có địa điểm tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tổng diện tích dự án theo công bố của chủ đầu tư là 34,2 ha. Tổng mức đầu tư là 2.300 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, Movenpick Cam Ranh Resort, gồm các khu: Khu thương mại và dịch vụ cao cấp (tổng diện tích sàn xây dựng 15.200m2); Khu khách sạn 5 sao và biệt thự cao cấp (tổng diện tích sàn xây dựng 59.250 m2) và Khu căn hộ nghỉ dưỡng condotel (tổng diện tích sàn xây dựng: 7500 m2).
Dự án được khởi công năm 2014. Dự kiến đưa vào khai thác quý II/2018. Tuy nhiên, mãi đến tháng 10/2018 khu khách sạn 5 sao Mövenpick Hotel và căn hộ nghỉ dưỡng Mövenpick condotel mới hoàn thiện thi công 80%.
Theo kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ được báo chí đăng tải, tại dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang đã xảy ra một số vi phạm như sau:
Thứ nhất, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy Chứng nhận đầu tư (CNĐT) lần đầu vào năm 2008, điều chỉnh lần thứ 1 vào năm 2009 để thực hiện dự án trên diện tích chưa được Vùng 4 Hải Quân bàn giao cho tỉnh (Vùng 4 Hải quân bàn giao cho tỉnh từ ngày 05/02/2010). Điều này là vi phạm pháp luật về đầu tư.
Vi phạm thứ hai là việc Dự án chậm tiến độ. Theo Giấy CNĐT lần đầu ngày 19/5/2008, thời hạn thi công và hoàn thiện công trình là đến hết ngày 20/10/2015, nhưng đến thời điểm thanh tra dự án chưa hoàn thành.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, để xảy ra các vi phạm trên đây, người phải chịu trách nhiệm là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan, Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng; Trưởng BQL các dự án KDL Bắc bán đảo Cam Ranh và Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm.
Để xử lý vi phạm tại Dự án, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các khối lượng còn lại để đưa dự án vào hoạt động. Nếu chủ đầu tư vi phạm cam kết, tiếp tục chậm tiến độ phải xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, xác định tiền sử dụng đất, chống thất thu ngân sách nhà nước (trong đó có cả việc rà soát khi dự án đã được phê duyệt thay đổi quy hoạch xây dựng); Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đất vàng bị thao túng với những lợi ích nhóm?
Từng trả lời trên báo chí, ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc bán đất vàng không thông qua đấu giá rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.
Kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018 cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân gây nên nhận thức khác nhau dẫn đến vận dụng tạo ra sai phạm và cũng là kẽ hở.
Bên cạnh đó, ông Phớc cho rằng, công tác quản lý và sử dụng đất có hạn chế, tiềm ẩn lớn lãng phí, thất thoát, tham nhũng như: điều chỉnh quy hoạch sai thẩm quyền; sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất; hầu hết các khu đất doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị đều không thông qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây nên thất thoát ngân sách nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định: Sai phạm về đất đai chủ yếu diễn ra dưới các hình thức: lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng (QSĐ) đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân; không sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước...
“Sai phạm về đất đai trong giai đoạn 2014-2018 vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp ở hầu hết các nội dung và các cấp quản lý, tổ chức, cá nhân sử dụng đất với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng. Có những sai phạm kéo dài và chậm xử lý, gây hậu quả lớn về kinh tế - xã hội, điển hình như vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”,…”, TS Vũ Đình Ánh nói.
Ông Ánh nhấn mạnh tình trạng định giá đất chưa phù hợp làm méo mó sự vận động của thị trường bất động sản (BĐS), là nguyên nhân làm nảy sinh hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính về đất đai như thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, tính giá trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi thực hiện cổ phần hóa (CPH).
Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng đề cập vấn đề này trong nhiều báo cáo về hoạt động của DNNN. Theo Cục này, có những DNNN sống chủ yếu dựa vào đất đai, từ nguồn thu cho thuê mặt bằng. Nếu hạch toán tách bạch nguồn thu đất đai, doanh nghiệp sẽ chuyển từ hiệu quả làm ăn có lãi sang lỗ. Công tác CPH DNNN cũng chủ yếu “nóng” vấn đề đất đai khi cổ đông chỉ nhắm đến đất vàng, DN chưa xử lý xong về đất đai có tâm lý chần chừ CPH vì lo ngại khi công khai sẽ không tránh khỏi các thiếu sót.
Việc Eurowindow Holding liên tục được được chỉ định thầu và sở hữu nhiều vị trí “đất vàng” tại tỉnh lẻ không khiến dư luận đặt ra câu hỏi về những “uẩn khúc” phía sau thực chất có mang lại lợi ích xã hội, nhà nước hay không hay chỉ là “miếng bánh béo bở” cho doanh nghiệp tư nhân?
Tác giả: Phúc Hưng
Nguồn tin: phapluatvacuocsong.vn