Lương hưu, trợ cấp tăng thêm 7,44%
Từ ngày 15/8, Nghị định 76 điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng được Chính phủ ban hành từ ngày 1/7/2017 sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó sẽ có 8 đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng được tăng thêm 7,44%.
Cụ thể, 8 đối tượng được hưởng trợ cấp gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; Quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92; Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật…
Từ 15/8 sẽ tăng lương hưu, trợ cấp tăng thêm 7,44% |
Chế độ làm việc mới của giáo viên phổ thông
Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông chính thức có hiệu lực từ 1/8. Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm là 2 tháng của giáo viên được hưởng nguyên lương và phụ cấp.
Thông tư 15 bổ sung về chế độ làm việc của giáo viên trường dự bị đại học. Thời gian làm việc của giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, tương tự giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Giáo viên trường dự bị đại học được áp dụng chế độ giảm định mức tiết dạy. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm lớp dự bị đại học giảm 3 tiết/tuần; giáo viên nữ trường dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng…
Bảo hiểm gửi tiền tối đa 75 triệu đồng
Từ ngày 5/8, Quyết định 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) được bảo hiểm của cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh lên 75 triệu đồng. Nghị định 109 trước đó quy định, là 50 triệu đồng.
Công bố lương giám đốc công ty
Từ ngày 1/8, Nghị định 71/2017 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng có hiệu lực. Theo Nghị định, tiền lương của Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác phải được thể hiện thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty; báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Công ty đại chúng có nghĩa vụ công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ, bất thường về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng. Việc công bố thông tin được thực hiện bảo đảm cổ đông và công chúng có thể tiếp cận công bằng.
Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện
Từ ngày 15/8, Quyết định số 24 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực. Quyết định nêu rõ nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân. Và việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
Quyết định 24 nêu rõ nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện |
Cụ thể, hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Khi các thông số đầu vào theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm.
Khi các thông số đầu vào theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí