Trong nước

Hàng loạt bộ, ngành có trụ sở mới vẫn không chịu bàn giao trụ sở cũ

Trong 9 bộ, ngành xây dựng trụ sở mới, chỉ có Bộ Nội vụ bàn giao trụ sở cũ, còn lại vẫn tiếp tục sử dụng, chưa chịu trả cho Hà Nội.

Trụ sở mới của Bộ Nội vụ trên đường Tôn Thất Thuyết. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng trụ sở mới, đến nay chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy liên quan đến việc di dời trụ sở Bộ ngành ra khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra hồi tháng 6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn tư lệnh ngành Xây dựng về những bất cập trong việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội. Theo phản ánh của Đại biểu Thúy, việc di dời trụ sở Bộ ngành khỏi nội đô Tp. Hà Nội còn nhiều bất cập, hầu hết xảy ra tình trạng có trụ sở mới vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, tận dụng quỹ đất sau di dời làm cơ sở 2 như các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ…

Điều này là không đúng với chủ trương quỹ đất sau di dời giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của địa phương. Bà Thúy “hỏi thẳng” Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: “Liệu chủ trương trên có thực hiện được không? Xin nêu rõ lý do?”.

Phản hồi ý kiến trên, theo Bộ trưởng xây dựng Phạm Hồng Hà, thực hiện chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội tại Nghị quyết số 16 năm 2008 của Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời. Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội cũng được đề cập trong văn bản này.

Đến nay, đã có 9 bộ, ngành hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới bao gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng trụ sở mới, đến nay chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Bộ Tài chính đã có quyết định thu hồi 4 cơ sở của Bộ Nội vụ để bố trí cho các cơ quan khác quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc. Còn lại, ông Hà thừa nhận vẫn có một số cơ quan tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho Tp. Hà Nội khai thác, sử dụng, như Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ…

“Báo cáo mới nhất tại văn bản số 187 ngày 18/6 của UBND Hà Nội nêu rõ, thành phố đã bố trí quỹ đất tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây, quận Tây Hồ (khoảng 20 ha) và Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (khoảng 55 ha). Ngoài ra, thành phố đã giải quyết, bố trí quỹ đất di dời cho 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý. 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tạo nguồn vốn di dời và đầu tư xây dựng trụ sở mới là trụ sở Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, quận Ba Đình và Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại số 45 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm”, Bộ trưởng Xây dựng thông tin.

Nhấn mạnh quan điểm của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần thực hiện nghiêm chủ trương bàn giao quỹ đất sau khi di dời về thành phố, để sử dụng theo quy hoạch được duyệt, ưu tiên đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Tác giả: Hải Quỳnh

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok