Sau thời điểm khai mạc lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, có 15 khóa luận tiêu biểu được bảo vệ trước hội đồng. Nội dung các khóa luận này đề cập nhiều khía cạnh của lĩnh vực báo chí truyền thông, trong đó, nhiều đề tài bám sát dòng chủ lưu thời sự như: “Cách thức xử lý khủng hoảng của tập đoàn SAMSUNG về sự cố điện thoại bị lỗi pin phát nổ năm 2016”, “Báo điện tử với vấn đề bảo vệ môi trường biển qua loạt bài viết về sự cố môi trường do formosa gây ra”…
Nhiều đề tài tìm hiểu xu thế phát triển mới, cập nhật của báo chí hiện đại như: “Ứng dụng gói tin tức đa phương tiện trên báo điện tử”, hay “Truyền thông báo điện tử tiếp cận qua góc nhìn liên kết với mạng xã hội”. Một số đề tài thể hiện tính liên ngành nghiên cứu văn hóa truyền thông đại chúng như: “Mẫu rập khuôn về giới qua hình tượng người nổi tiếng nữ trên báo mạng điện tử Việt Nam”; liên ngành truyền thông chính trị như đề tài “Đặc trưng của thảo luận công trên báo điện tử” hay “Vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia trong mối quan hệ Việt Nam – Mỹ”…
PGS-TS Đặng Thị Thu Hương, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông cho biết: “Các buổi bảo vệ khóa luận ở khoa không chỉ là buổi sinh viên báo cáo kết quả học tập của mình trước các thầy cô mà còn cơ hội để các em tự giới thiệu mình trước các nhà tuyển dụng”.
Được biết, khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình đào tạo theo phương thức tín chỉ (áp dụng từ năm 2007 và điều chỉnh toàn diện theo chiều sâu từ năm 2012), tạo điều kiện cho người học chủ động tích lũy các học phần, chủ động tiến độ học tập và có khả năng ra trường sớm hơn quy trình đào tạo niên chế từ 6 tháng đến 1 năm… Kết quả là trong số 81 sinh viên ngành báo chí khóa 58 (tính số sinh viên theo học đến năm thứ 4) thì có 19 em được làm khóa luận và tốt nghiệp sớm.
Tác giả bài viết: Quý Hiên
Nguồn tin: