Du lịch

Hai nhà thờ tuyệt đẹp trên đất cố đô

Nhà thờ Phủ Cam và nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là 2 trong số những kiến trúc tuyệt đẹp ở thành phố Huế, với lịch sử hàng trăm năm.

Nhà thờ Phủ Cam (tên đầy đủ là Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam) tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Vào khoảng thế kỷ 17, Phủ Cam nằm ven bờ sông đào An Cựu vốn là nơi ở dành cho con trai của các chúa Nguyễn. Đến thời Nguyễn, đây vẫn tiếp tục là nơi được nhiều hoàng thân triều Nguyễn lựa chọn để xây dựng phủ đệ.

Bản đồ nhà thờ Phủ Cam ở thành phố Huế.


Lịch sử hình thành ngôi nhà thờ này bắt đầu từ những năm 1682, dưới thời các chúa Nguyễn với xuất phát điểm chỉ là một ngôi nhà nguyện tranh tre do linh mục Langlois dựng nên. Qua nhiều lần thay đổi về địa điểm và hình thức, kiến trúc, đến năm 1898, nhà thờ Phủ Cam mới được giám mục Eugène Marie Allys cho xây dựng lại bề thế theo kiến trúc cổ điển phương Tây, và được hoàn thành vào năm 1902. Ảnh: Life.


Khi Giáo phận Huế được nâng lên hàng Tổng giáo phận năm 1960, tân Tổng giám mục lúc này là Ngô Đình Thục đã cho hưng công xây dựng một nhà thờ mới theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Năm 1963, ngôi nhà thờ chính thức được khởi công xây dựng, song vì những biến cố chính trị liên tục xảy ra đã khiến công việc xây dựng bị trì hoãn. Đến năm 2000, sau 37 năm, nhà thờ Phủ Cam mới chính thức hoàn thành.


Mặc dù mang kết cấu xây dựng theo kỹ thuật hiện đại, kiến trúc nhà thờ Phủ Cam vẫn mang những ảnh hưởng và đường nét của một ngôi nhà thờ phương Tây với mặt bằng xây dựng theo đồ hình thánh giá và những motif trang trí theo kiểu thức Công giáo. Tuy nhiên, ngôi nhà thờ này được thổi vào triết lý của phong thủy phương Đông cũng là đặc trưng trong các thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.


Điểm nhấn của ngôi nhà thờ này là phần mặt tiền với hai tháp chuông vươn thẳng lên trời cao như một cuốn Kinh Thánh mở ra, nhưng đồng thời cũng mang dáng dấp của một đầu rồng đang há miệng. Và mặc dù được xây dựng với vật liệu đá thô, chính sự cân đối trong tỷ lệ và đường nét khiến phần mặt tiền của nhà thờ Phủ Cam trở nên vô cùng mềm mại, thanh thoát.


Lòng nhà thờ có sức chứa khoảng gần 2.500 người, với các vòm trụ đỡ hình parabol ôm trùm lên phần lòng, tạo cảm giác hiện đại nhưng vẫn gợi nhớ đến kiến trúc vòm cổ điển của các ngôi nhà thờ phương Tây. Hai dãy cửa sổ được lắp kính màu ở hai mặt bên, giúp cho ngôi nhà thờ luôn tràn ngập ánh sáng.


Phần cung thánh được xây dựng giật cấp cao dần, với một nền hình tròn 3 bậc tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân ở chính giữa, trên đặt bàn Thánh được tạc từ đá cẩm thạch nguyên khối do các nghệ nhân làng đá Non Nước - Đà Nẵng chế tác. Thánh giá với tượng Chúa khổ nạn được tạo tác từ một cây thông lấy từ khu đồi Thiên An, ở khu vực rừng núi phía tây nam kinh thành Huế.


Có thể nói, nhà thờ Phủ Cam là một trong những tuyệt tác kiến trúc Công giáo với thời gian xây dựng kỷ lục trong lịch sử xây dựng nhà thờ ở Việt Nam. Công trình này cũng là một trong những nét son trong sự nghiệp của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ bên cạnh các công trình nổi tiếng khác của ông như Dinh Độc Lập, Viện Nguyên tử Đà Lạt…


Bên cạnh nhà thờ Phủ Cam, một ngôi nhà thờ khác ở Huế nổi tiếng không kém về quy mô và vẻ đẹp kiến trúc là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, hay còn có tên gọi khác là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tiền thân của công trình này là một nguyện đường nhỏ của các tu sĩ thuộc Cộng đoàn tu viện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Huế tạo lập vào năm 1933.


Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế nằm trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Huế.


Đến năm 1954, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế được thành lập đã kéo theo nhu cầu cần có một nơi hành lễ mới cho tu sĩ và giáo dân ở giáo xứ mới này. Sau đó vài năm, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế chính thức khởi công xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc. Lễ khánh thành và cung hiến được tổ chức vào tháng 8/1962 dưới sự chủ trì của Tổng giám mục Ngô Đình Thục.


Vị trí của tu viện và nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế khá đặc biệt: ngay sau lưng cung điện mùa hè An Định được xây dựng dưới thời vua Khải Định, bên bờ sông đào An Cựu. Ngoài ra, trong quá khứ, khu vực đồng ruộng An Cựu là nơi trồng và sản xuất ra một loại lúa gạo rất đặc biệt có tên gạo de. Dưới thời Nguyễn, loại gạo này thường xuyên được tiến cung để sử dụng trong những bữa ngự thiện của nhà vua hoặc các buổi yến tiệc chốn cung đình. Ảnh: Life.


Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là một trong những điển hình cho việc tổng hòa kiến trúc Đông – Tây trong thiết kế. Mặt bằng kiến trúc của nhà thờ mang hình thánh giá theo chuẩn mực của các nhà thờ cổ điển châu Âu, nhưng về tổng thể, những đường nét, kiểu thức ảnh hưởng từ kiến trúc Á Đông được thể hiện rất rõ. Đặc biệt, phần tháp chuông hình bát giác với mái giật cấp mang phong cách đặc trưng các chùa tháp truyền thống Việt Nam rất rõ nét.


Lòng nhà thờ rộng 38 m, dài 72 m thể hiện sự tài tình của người thiết kế trong việc điều chỉnh tỉ lệ và phối hợp hai luồng ảnh hưởng đông - tây. Vòm nhà thờ cao rộng với sự phối trí cột vách và phần vòm cao rộng mang dáng dấp Gothic. Hệ thống cửa sổ dày đặc giúp cho lòng nhà thờ luôn tràn ngập ánh sáng.


Sự phối hợp hài hòa về màu sắc của hệ thống kính màu gợi sự liên tưởng đến hệ ngũ sắc truyền thống được sử dụng trong ô hộc pháp lam và những trang trí thường gặp ở các công trình cung điện đền đài trong kinh thành Huế.


Thay vì xây vách kín, việc sử dụng kính màu cho toàn bộ phần vách tạo nên vẻ rực rỡ nhưng vẫn không kém phần uy nghi cho khu vực cung thánh của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế.


Với số đông, Huế vốn nổi tiếng với đền đài, lăng tẩm và chùa chiền mang nét u hoài, cổ kính gắn với triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.


Nhưng ở một góc nào đó, những ngôi nhà thờ ở Huế đã mang lại cho nơi này những “miền giáo đường” tĩnh lặng.

Tác giả: Cường Nguyễn. Ảnh: Phạm Đức Anh

Nguồn tin: Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok