Trong tỉnh

Hà Trung (Thanh Hóa): Khai thác cát trái phép gây sạt lở đất nông nghiệp

Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Hà Toại (huyện hà Trung, Thanh Hóa) diễn biến phức tạp, gây sạt lở nhiều đoạn bờ sông, đe dọa đến công trình đê điều, làm mất đất sản xuất khu vực bãi sông…

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Hoạt, đoạn qua thôn 3, thôn 4 (thuộc xã Hà Toại) diễn ra ngày một trầm trọng. Theo ghi nhận, có đoạn sạt lở dài cả chục mét, bờ sông bị nước khoét sâu vào 20 - 30m tạo thành những hàm ếch cao dựng đứng. Tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng khiến hàng chục hộ dân trong xã sống trong tình cảnh thấp thỏm, lo âu.

Bờ sông bị nước khoét sâu vào 20 - 30m tạo thành những hàm ếch cao dựng đứng do việc hút cát trộm hoành hành.

Nhiều hộ dân ở thôn 3 và thôn 4, cho biết: Tình trạng sạt lở những năm trở lại đây trở nên trầm trọng, có nhiều điểm sạt lở vào cả chục mét. Theo bà con, đây là ngã ba giao nhau giữa sông Lèn và sông Hoạt. Đây là đất 07 giao lâu dài cho dân, đang sản xuất ổn định, thế nhưng nhiều năm nay các tàu thuyền hút cát liên tục cắm vòi hút. Đất đai, hoa màu của người dân dần bị cuốn trôi theo “hà bá”. Cứ mỗi mùa lũ qua đi là sạt lở ăn sâu vào nhiều mét đất, điều này đã đe dọa trực tiếp đến đời sống cũng như đất đai hoa màu của người dân nơi đây.

Thế nhưng, chính quyền lại không cương quyết xử lý thế nên cát tặc cứ được đà ngày càng hút rầm rộ hơn. Chủ yếu là các tàu hút về đêm, từ khoảng 12 giờ đêm tới hai ba giờ sáng. Người dân chúng tôi đã ý kiến lên xã rất nhiều lần nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện.

Bà Nguyễn Thị H (xóm 4, xã Hà Toại) bức xúc phản ánh với PV: Tình trạng bờ sông Hoạt, sông Lèn bị sạt lở đã diễn ra từ nhiều năm nay. Cứ mỗi mùa lũ qua đi là sạt lở ăn sâu vào nhiều mét đất, điều này đã đe dọa trực tiếp đến đời sống cũng như đất đai hoa màu của người dân. Hiện tại, sạt lở đang diễn ra ngày một trầm trọng, nếu như việc khai thác cát tiếp tục diễn ra, thì hàng chục hộ dân sẽ không biết đi về đâu khi sạt lở gia tăng gây mất đất sản xuất:

Đất sản xuất, hoa màu của người dân bị cuốn theo “hà bá”.

Người dân địa phương cho rằng, ngoài sạt lở do thiên tai, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng nói trên chủ yếu là do vấn nạn khai thác cát trái phép và ngày càng sát bờ của cát tặc trên địa bàn. Điều này đã làm thay đổi dòng chảy của lòng sông, khiến nền đất yếu rồi dẫn đến sạt lở.

Theo báo cáo của UBND xã Hà Toại: Tại khu vực trồng màu của người dân thôn 3 có một số thuyền hút cát hoạt động trên sông Lèn hút và lấy cát phía bờ thuộc địa phận thôn 3, xã Hà Toại. Hậu quả đã gây ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng làm thiệt hại về đất màu và cây cối trên đất của nhân dân thôn 3.

Qua khảo sát thực tế, khu vực bị sạt lở mất đất và hoa màu cách chân đê sông Lèn chỗ gần nhất là 22m. Diện tích bị thiệt hại 3670m2, bao gồm diện tích của 9 hộ gia đình và diện tích đất bãi bồi ven sông là đất đắp đường đi của thôn. Nếu không kịp thời can thiệp và đình chỉ hoạt động hút cát trái phép thì đất tiếp tục bị sạt lở và sẽ lan sâu vào chân đê, ảnh hưởng trực tiếp đến đất đai, cây cối hoa màu của người dân và ảnh hưởng tới tuyến đê trung ương.

Nhưng đây là báo cáo, thống kê từ năm 2016 của UBND xã Hà Toại, còn cho tới thời điểm hiện tại tình trạng hút cát và sạt lở ngày càng trầm trọng hơn, kéo dài ở nhiều đoạn sông.

Báo cáo về tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở của UBND xã Hà Toại.

Trao đổi với PV Báo điện tử TN&MT, ông Mai Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Hà Toại thừa nhận: Thực trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn đã diễn ra từ lâu, gây sạt lở ảnh hưởng tới đất sản xuất và hoa màu của người dân. Nhưng vì xã lực lượng mỏng, phương tiện không có nên cũng chỉ dừng lại ở việc xua đuổi tàu thuyền. Chỉ cần xã nhận được thông tin người dân báo có tàu thuyền hút cát, tổ chức lực lượng xuống thì chúng lại chạy sang bờ sông thuộc địa phận huyện Hậu Lộc. Diện tích bị sạt lở chủ yếu nằm ở thôn 3 và thôn 4, đây là đất 07 giao lâu dài cho người dân.

Trước thông tin, liệu có tình trạng có tay trong, bảo kê để cát tặc lộng hành hay không. Ông Nam cho biết chính quyền đang bí mật tìm hiểu. Vỉ chỉ cần tổ chức lực lượng trên xã thì tàu thuyền đã kịp nhổ neo, chạy sang bên đất Hậu Lộc. Tàu thuyền hút xong thì xuôi về bãi tập kết của công ty Vũ Bảo ở cầu Báo Văn rồi tiến hành bơm cát lên bãi.

Ông Đặng Văn Thiện – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hà Trung khằng định: Có tình trạng khai thác cát trái phép tại xã Hà Toại, Hà Phú, huyện cũng đã kiến nghị lên tỉnh. Vì không có phương tiện tàu thuyền nên rất khó bắt giữ, đây thực sự là vấn đề nan giải, cần sự vào cuộc của cả cảnh sát đường thủy cũng như công an huyện.

Nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt, chỉ trong thời gian ngắn nữa đất canh tác của người dân sẽ mất trắng. Nguy hiểm hơn, đê sông Lèn - con đê cấp 1 trọng yếu, bảo vệ cho hàng nghìn hộ dân cũng đứng trước nguy cơ sạt lở.

Tác giả: Thanh Tâm – Chi Mai

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok