Xã hội

Hà Tĩnh: Nghi vấn công an thả xe tai nạn sai quy định

Đội CSGT Công an TP Hà Tĩnh bị tố thả xe trong vụ tai nạn khi chưa làm việc với bên bị nạn.

Chưa làm việc với người bị nạn đã thả xe

Anh Dương Văn Bình (SN 1987, trú ở phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) phản ánh đến đường dây nóng Báo Giao thông: Tối ngày 17/9/2019, bố anh là Dương Văn Nhung đi xe máy trên đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh.

Khi xe đi đến đoạn qua phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh thì xảy ra va chạm với xe taxi của Công ty Taxi Lam Hồng (Hà Tĩnh).

Vụ tai nạn khiến ông Nhung gãy 2 chân được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên bệnh viện cho chuyển lên tuyến trên ở Hà Nội ngay trong đêm.

“Trong khi bố tôi vẫn chưa tỉnh hẳn thì ngày 24/9, tôi nhận được điện thoại của một người ở Công ty Taxi Lam Hồng gọi đến không một lời hỏi han sức khỏe bố tôi mà chỉ báo là công ty đã lấy xe taxi ra. Tai sao Công an TP Hà Tĩnh chưa làm việc với gia đình tôi để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lại cho phía công ty taxi lấy xe ra?”, anh Bình bức xúc.

Có cùng tâm trạng, anh Dương Khắc Hạnh (SN 1981, anh trai anh Bình) cho biết thêm: Lúc bố tôi được đưa lên bệnh viện, Công an TP Hà Tĩnh có lên đó để kiểm tra nồng độ cồn của tài xế taxi. Lúc đó, bố tôi còn tỉnh và kể, ông đang đi xe máy về nhà thì xe taxi chạy cùng chiều phanh gấp để trả khách khiến ông đâm vào phía sau xe. Rõ ràng, cần phải làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, thế nhưng khi chưa làm việc với cả hai bên, đặc biệt là bên bị nạn mà Công an TP Hà Tĩnh lại thả xe taxi là sao?”, anh Hạnh đặt nghi vấn.

Về việc này, Đại úy Thân Viết Sinh - Đội phó Đội CSGT Công an TP Hà Tĩnh cho biết: Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 21h ngày 17/9, trên đường Trần Phú, đoạn qua phường Trần Phú (cạnh cà phê Bé Trang), TP Hà Tĩnh giữa xe ô tô taxi (thuộc Công ty taxi Lam Hồng) BKS 38A - 137.72 do anh Đoàn Văn Khiêm (SN 1989, trú ở xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) điều khiển với xe mô tô BKS 38P1 - 164.11 do ông Dương Văn Nhung (SN 1955, trú tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) điều khiển. Thời điểm xảy ra va chạm, cả hai xe đều lưu thông theo hướng Bắc - Nam.

Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng đã có mặt và tiến hành các bước như vẽ sơ đồ khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai những người liên quan là lái xe, nhân chứng…

Lực lượng công an cử người vào bệnh viện kiểm tra nồng độ cồn của lái xe taxi nhưng không phát hiện. Còn ông Nhung đang bị thương nên đề nghị bệnh viện kiểm tra nồng độ cồn qua máu, hiện chưa có kết quả.

“Nguyên nhân ban đầu xác định do ông Dương Văn Nhung điều khiển xe mô tô không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước gây tai nạn giao thông. Còn theo lời khai của các nhân chứng, thời điểm xảy ra tai nạn không có khách nên thông tin xe taxi dừng đột ngột trả khách là chưa chính xác”, Đại úy Sinh nói.

Theo Đại úy Thân Viết Sinh - Đội phó Đội CSGT Công an TP Hà Tĩnh, việc thả xe taxi về là hoàn toàn đúng quy định (Ảnh CA cung cấp)

“Thả xe là hoàn toàn đúng quy định”

Lý giải việc thả xe taxi khi chưa làm việc với người bị nạn, Đại úy Thân Viết Sinh cho biết: Ngày 24/9, Công ty taxi Lam Hồng có tờ trình xin bảo lãnh đưa xe ra hoạt động sớm. Sau khi khám nghiệm phương tiện, xét thấy lỗi thuộc hoàn toàn về nạn nhân và không phục vụ quá trình kết luận nguyên nhân điều tra vụ tai nạn giao thông. Cơ quan công an làm các thủ tục để thả xe, đồng thời tạm giữ các giấy tờ liên quan tới người và phương tiện để phục vụ giải quyết dân sự về sau.

Đại úy Sinh phân tích: Theo quy định trong vòng 3 ngày phải khám phương tiện. Nếu vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng thì phải có sự chứng kiến của cơ quan điều tra và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân. Vụ tai nạn này, xét về thương tích không lớn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ giải quyết dân sự nên nếu không có cả 2 bên trong vụ tai nạn thì phải có 2 nhân chứng cùng tham dự và ký vào biên bản khám nghiệm phương tiện.

Theo Thông tư 76,77 (Bộ Công an), sau khi khám nghiệm phương tiện và xác định nguyên nhân không thuộc về xe mà không phục vụ kết luận nguyên nhân vụ TNGT, cơ quan công an phải trả phương tiện cho chủ nhân.

“Hôm khám nghiệm phương tiện, đích thân tôi đã gọi điện thoại cho người thân của ông Nhung (số điện thoại do tài xế taxi cung cấp) tuy nhiên không ai nghe máy. Theo quy định, đội đã mời 2 người dân bất kỳ sống ở phường Nguyễn Du, gần trụ sở Công an TP Hà Tĩnh tham dự”, Đại úy Sinh nói.

Trước câu hỏi liên lạc với người nhà bằng cách gọi điện thoại, số lấy từ tài xế taxi liệu có đúng quy định? Đại úy Thân Viết Sinh im lặng một lúc rồi nói: Lúc vào bệnh viện, một đồng chí trong đội đã nắm được thông tin tên tuổi của ông Nhung nhưng ông không tỉnh táo để làm việc. Đồng chí này có lấy số điện thoại của người thân nhưng không gọi được. Số điện thoại tài xế taxi cung cấp cho đội chính là số anh này đã liên lạc với người nhà ông Nhung. Ngoài ra, theo quy định, cứ có 2 người dân làm chứng là đội có quyền khám phương tiện. “Trong vụ việc này, đội cho xe taxi về là hoàn toàn đúng quy định”, Đại úy Sinh khẳng định.

Tuy nhiên, khi PV xin thông tin 2 người dân làm chứng và hồ sơ vụ việc thì Đại úy Sinh cho biết: Đó là 2 người dân bất kỳ sống trên địa bàn phường Nguyễn Du, gần trụ sở đội. Còn hồ sơ thì phải chờ kết thúc vụ việc hoặc chờ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: atgt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok