Chó không đeo rọ mõm, thả rông trên phố Duy Tân, Cầu Giấy vào sáng 15/9. Ảnh: Phương Sơn |
Từ hôm nay, Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác có hiệu lực. Theo đó, nếu không đeo rọ mõm cho chó hoặc không buộc xích mà đưa ra nơi công cộng, chủ con vật sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng...
Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Hồng Phong (Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội) cho rằng đây không phải là quy định mới mà "chuyển tiếp, bổ sung, sửa đổi nghị định cũ", có tăng một số hình phạt trong đó có việc chó thả rông, không đeo rọ mõm.
Theo ông Phong, Chi cục Thú y không có chủ trương thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm mà chỉ tham mưu cho thành phố về chủ trương phòng chống bệnh dại và hướng xử lý với các trường hợp vi phạm.
Chi cục cũng không cử người đi phát hiện, xử phạt chủ các con chó thả rông hoặc không đeo rọ mõm, dù theo Nghị định 90/2017 đây là một trong những cơ quan có quyền phạt. Chi cục Thú y Hà Nội cho rằng việc này "thẩm quyền chính thuộc về chính quyền địa phương".
Liên quan quy định chó thả rông sẽ bị bắt, sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ mang đi tiêu huỷ, đại diện Chi Cục thú y Hà Nội cho biết việc này chỉ áp dụng với con vật bị mắc bệnh mà không có người tới nhận. Những con khỏe mạnh được đưa về các tổ chức cứu hộ động vật để tiếp tục nuôi dưỡng.
Chi tiết các mức phạt với các hành vi thả chó không đeo rọ mõm, không xích. Đồ họa: Đinh Hoàng |
Theo ghi nhận của VnExpress, trong ngày 15/9, tại nhiều tuyến đường ở quận trung tâm ở Hà Nội như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, tình trạng chó thả rông và không đeo rọ mõm diễn ra phổ biến. Tuy nhiên chưa thấy sự xuất hiện xử phạt của lực lượng chức năng.
Một số lãnh đạo ở các quận, huyện ở Hà Nội cho biết "trước mắt tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm tiêm phòng dại cho chó và đeo rọ mõm và khi ra đường phải xích, có người đi theo". Thời gian sau mới xử phạt với những người cố tình không chấp hành.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết nhà dù cũng nuôi chó song chị ủng hộ chủ trương xử phạt nặng với những người không chấp hành quy định. Theo chị, việc thả rông chó không chỉ gây ảnh hưởng giao thông mà tiềm ẩn nguy cơ tấn công người đi đường, lây truyền bệnh dại.
Theo Nghị định 90/2017, chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng; chiến sĩ công an đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng với các lỗi vi phạm của các chủ con vật.
Tác giả: Phương Sơn
Nguồn tin: Báo VnExpress