Giáo dục

Hà Nội: Căng thẳng chạy vào trường mầm non

Từ đầu tháng 7, các trường mầm non trên địa bàn TP Hà Nội sẽ đón “rồng vàng” (2012) và “rắn kim cương (2013) vào lớp 4 tuổi và 3 tuổi. Các trường bị áp lực quá tải, còn phụ huynh thì căng thẳng vì phải chạy đôn đáo tìm chỗ học cho con.


6b DWBT
Với những trường mầm non quá tải, các trường sẽ tiến hành bốc thăm để tuyển. Ảnh: Như Ý.


Chị Nguyễn Thị Phương bắt đầu chuyển đến sinh sống tại tòa nhà Number one Thăng Long từ đầu năm 2016. Trước đây, chị ở tại khu đô thị Trung Văn, nên con trai chị (sinh năm 2013) học tại một trường tư thục gần nhà.

Nhưng từ ngày chuyển đến chỗ ở mới, sau khi tìm hiểu hai trường mầm non gần nhà, chị thấy không đủ khả năng chi trả học phí, chị Phương chuyển hướng cho con học trường mầm non công lập. Làm việc tại nhà nên chị chọn bán kính 5km để tìm trường. Sau một hồi tìm kiếm, chị đã chấm được một trường tại quận Cầu Giấy gần khu vực Big C. Vì không đúng tuyến nên chị đã phải nhờ mối quan hệ của chồng giúp.

Cũng mới chuyển về chỗ ở mới tại Linh Đàm, chị Phạm Hoàng Hoa cũng khá chật vật tìm chỗ học cho con. “Khu vực phía Tây bán đảo Linh Đàm có thêm một số tòa nhà được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, mới có một trường mầm non được xây mới nhưng chưa tuyển sinh. Chúng tôi không có chỗ nào để gửi con. Trong khi đó, trường tư thì không đủ điều kiện” – chị Hoa than thở.

Nhưng không phải chỗ nào cũng có trường mầm non tư thục để phụ huynh lựa chọn. Sau sự việc bạo hành trẻ tại nhóm trẻ Tuổi Hoa tại khu đô thị Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, xã Tứ Hiệp đã đình chỉ hoạt động của 4 nhóm trẻ khác đang hoạt động tại đây. Động thái này nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh cũng khóc dở, mếu dở vì không biết tìm chỗ nào để gửi con.

Anh Nguyễn Đăng, nhà ở trong khu đô thị chia sẻ: hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối. Con trai mới 3 tuổi, giờ không biết gửi đâu. Đến các trường mầm non công lập quanh khu đô thị đều nhận được cái “lắc đầu” của hiệu trưởng vì trường không còn chỉ tiêu”. “Chúng tôi chưa có hộ khẩu tại đây nên không biết sẽ xin học cho con em thế nào” – anh Đăng nói.

Đô thị mới thiếu trường

Theo ghi nhận của Tiền phong, tại các khu đô thị mới, chỗ học dành cho học sinh mầm non rất căng thẳng. Quận Cầu Giấy là một ví dụ điển hình. Ngoài số học sinh của quận, các trường trên địa bàn còn “gánh thêm” học sinh của Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.

Vì đây là hai quận mới tách ra từ huyện Từ Liêm nên hệ thống giáo dục chưa được như mong muốn. Điều tra của phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho thấy, tổng số trẻ lớp mầm non 4 tuổi tại địa bàn quận là 4.495 trẻ nhưng chỉ tiêu tuyển mới của 14 trường mầm non công lập là 190 trẻ. Trong đó có tới 9/14 trường không có chỉ tiêu tuyển sinh mới đối với mầm non 4 tuổi.

Ông Phạm Ngọc Anh, trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết năm nay, các trường mầm non của quận cũng tuyển sinh như những năm trước. Đó là ưu tiên phổ cập mầm non 5 tuổi, còn các lứa tuổi khác, tuyển sinh theo khả năng của từng trường.

“Nếu số lượng trẻ quá lớn so với chỉ tiêu được tuyển ở những lứa tuổi dưới 5, các trường sẽ tuyển sinh theo đối tượng ưu tiên. Trong đó, ưu tiên hộ khẩu thường trú tại địa bàn trước rồi mới đến các ưu tiên khác” – ông Ngọc Anh chia sẻ. Còn lãnh đạo phòng giáo dục quận Ba Đình thì cho rằng, với những trường quá tải, các trường sẽ tiến hành bốc thăm để tuyển. Hình thức bốc thăm này cũng được rất nhiều quận khác áp dụng để tuyển sinh.
TPHCM: Dậy từ 4h sáng để mua hồ sơ

Nửa cuối tháng 6 vừa qua, nhiều quận huyện tại TPHCM đã công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp. Theo đó, nhiều nơi đã phải đưa ra nhiều tiêu chí “khắt khe” để tuyển học sinh, nguyên do là áp lực học sinh quá đông.

Tại quận Bình Thạnh, TPHCM, việc tuyển sinh được phân tuyến theo phường hoặc cụm phường từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do một số phường dân số quá đông, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đi học nên buộc quận này phải đưa thêm nhiều tiêu chí phụ.

Tại phường 26, việc tuyển sinh còn căng hơn đối với lớp 1. Đặc biệt, trường tiểu học Chu Văn An (đóng trên địa bàn phường), Ban tuyển sinh phải chia theo cả khu phố.

Cụ thể, đối với khu phố 1, 2, trường tiếp nhận theo tiêu chí: Học sinh và cha (mẹ) hộ khẩu trên địa bàn khu phố; hoặc cha (mẹ) là chủ sở hữu nhà ở trên cùng địa chỉ hộ khẩu. Đối với khu phố 6 của phường, ngoài hai tiêu chí trên còn có thêm tiêu chí ông, bà (nội, ngoại) là chủ sở hữu nhà ở trên cùng địa chỉ hộ khẩu…

Tại quận Thủ Đức vừa qua một số phụ huynh cũng phản ánh họ phải đi từ 4 giờ sáng để mua hồ sơ cho con học mầm non ở phường Hiệp Bình Chánh, tuy nhiên kết quả không như ý. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, phó phòng GD&ĐT quận Thủ Đức cho biết, việc phụ huynh đi nộp hồ sơ từ 4 giờ sáng là xuất phát từ tâm lý, nhu cầu nôn nóng bởi theo quy định thì 9 giờ mới mở cửa làm việc. “Nguyên do có thể phụ huynh chọn trường theo sở thích bởi trên địa bàn Hiệp Bình Chánh có cả trường công, trường tư nên hoàn toàn đủ chỗ chứa cho các bé”, bà Nga nói.
Nguyễn Dũng

Tác giả bài viết: Nghiêm Huê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok