Ở trận đấu mới nhất với Sài Gòn FC trên sân Thống Nhất thuộc vòng 24 V-League, cả hai bàn thắng của HA Gia Lai đều được ghi từ các pha không chiến. Còn ở trận đấu với Quảng Nam thuộc vòng 22, pha ghi bàn của Gỗ đến từ tình huống sút xa của Đức Lương, tức một pha đá bóng dài.
Cũng trong trận đấu với Sài Gòn FC tối 4/11, ở 2 hiệp đấu, HA Gia Lai triển khai 2 lối chơi về cơ bản khác hẳn nhau.
Hiệp 2, họ dùng lối đá ban bật nhỏ, tấn công trực diện, và không thành công, không ghi được bàn thắng nào. Sang hiệp 2, HA Gia Lai đôi lúc đá thiên về phản công, sử dụng khá nhiều các đường dài cho Công Phượng và Văn Toàn đua tốc độ.
HA Gia Lai giờ sử dụng không ít các đợt phản công để tận dụng tốc độ của Văn Toàn (ảnh: Trọng Vũ) |
Riêng cả 2 bàn thắng của đội bóng phố núi trong trận đấu này đều đến từ các pha đánh đầu, những tình huống ít thấy đối với đội bóng phố núi suốt 3 năm, từ lúc Công Phượng và các đồng đội được đôn lên đá V-League.
Ở đây, không hẳn lối đá dài và chơi bóng bổng sẽ tốt hơn cho các cầu thủ HA Gia Lai, chỉ có điều hiện lối đá đấy của họ khiến cho đối thủ bất ngờ, khi đối thủ của HA Gia Lai không nghĩ rằng đội bóng phố núi sẽ chơi như thế.
Từ đó cho thấy một đội bóng càng có nhiều phương án tiếp cận cầu môn đối phương thì đối thủ càng khó đoán. Đây là điều mà HA Gia Lai đang cố gắng cải thiện, từ khi có sự xuất hiện của HLV Chung Hae Seong (Hàn Quốc).
Chiến thắng của HA Gia Lai trước Sài Gòn FC đến từ 2 pha bóng bổng vốn không phải là sở trường của họ (ảnh: Trọng Vũ) |
Trong trận thắng CLB Hà Nội ở vòng 23 V-League cũng vậy, các cầu thủ của đội bóng phố núi có những pha phản công tốc độ khiến nhà đương kim vô địch bất ngờ.
Có vẻ như sau 3 năm áp dụng chỉ 1 lối đá duy nhất và không mang lại hiệu quả, cả ở cấp độ CLB lẫn cấp độ đội tuyển quốc gia (với nhiều cầu thủ của Gỗ là trụ cột ở đội tuyển dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng trước đây), HA Gia Lai đã nhận thấy rằng họ cần phải thay đổi theo hướng đa dạng hơn.
Nhìn rộng ra bình diện quốc tế, ngay cả bậc thầy của lối chơi ban bật của thế giới bóng đá là Barcelona thực tế cũng chỉ hiệu quả với lối chơi phối hợp siêu nhỏ của mình trong khoảng 1 – 2 năm đầu của triều đại Guardiola.
Sau đó cho tới hiện giờ, Barcelona cũng đã sử dụng nhiều hơn các đường phản công bằng bóng dài, đã sử dụng trung phong mạnh mẽ (Luis Suarez) để gây áp lực lên hàng thủ đối phương, chứ không còn đơn thuần đá tiqui-taca như trước.
|
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí